'Dự án bất động sản gặm nhấm không gian xanh từng giờ'

Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh bày tỏ như trên tại tọa đàm "Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí" diễn ra ngày 12-10. 

 Nửa số dân Việt Nam có thể sống ở Hà Nội

Theo KTS Trần Huy Ánh, đô thị của chúng ta đang phát triển quá nhanh, quá mạnh mà không quan tâm đến không gian sống bình thường chứ chưa nói là chất lượng cao, có giá trị gì đó như đáng sống, cao cấp…

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh. 

KST Trần Huy Ánh cũng cho biết Hà Nội nếu làm đúng quy hoạch 2030 và tầm nhìn 2050 thì có thể chứa đựng được 50 triệu người. "Như vậy, một nửa dân số Việt Nam có thể sống ở trong Hà Nội” - ông nói.

Đề cập đến quy hoạch của Hà Nội, ông đặt vấn đề chúng ta có quy hoạch nhưng chúng ta thực hiện có đúng theo quy hoạch hay không, có đúng với viễn cảnh chúng ta tưởng tượng hay không...

Hà Nội sẽ trả lời về nguồn gốc ô nhiễm

Cũng tại buổi tọa đàm, nói về nguồn gốc gây ô nhiễm của Hà Nội, bà Lê Thanh Thủy (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho hay hiện tại Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã có kế hoạch kiểm kê nguồn thải, nghiên cứu phân tích thành phần hóa học trong bụi mịn (PM25). Từ đó, TP mới xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng không khí trong năm 2020.

 Bà Lê Thanh Thủy (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội).

Bà Thủy cũng bày tỏ: “Hà Nội ô nhiễm là có nhưng chúng ta nên hành động chứ không tranh luận nơi đây nhất hay nhì về ô nhiễm. Về đốt rơm rạ, có những năm đốt rơm rạ đã khiến cho TP khói mù mịt. Chúng tôi có văn bản đến từng quận, huyện khuyến cáo chuyện này”.

Ngoài ra, theo bà Thủy, vấn đề bếp tổ ong, TP đã tuyên truyền cho người dân thay bằng bếp khác vì ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng họ vẫn không làm vì đun bằng bếp tổ ong giá rẻ hơn.

Trước câu hỏi tại sao không áp dụng việc cấm đun bằng bếp tổ ong hay đốt rơm rạ, bà Thủy nói: “Luật chúng ta không có quy định nào về việc này. Hơn nữa, cấm là giải pháp bất lực trong quản lý và là giải pháp cuối cùng”.

Về việc truyền thông cũng như dư luận đặt câu hỏi: Chính quyền ở đâu, hay chính quyền thờ ơ về vấn đề môi trường? Bà Thủy nói chính người dân cũng không thực hiện việc cam kết của mình.

“Tôi chưa nhìn thấy sự cam kết của người dân. Khi nói giải pháp thì chúng ta có giải pháp rồi nhưng người dân thực hiện đến đâu?” - bà Thủy nói.

Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn thừa nhận khi đưa ra một chủ trương mà không thuyết phục được người dân, đó là thất bại.

Bài học từ nước Pháp

Đề cập đến kinh nghiệm ứng phó của Paris với ô nhiễm môi trường, ông Olivier Chrétien, Trưởng phòng Tác động môi trường của Ủy ban Sinh thái đô thị TP Paris, cho biết từ năm 2001 Paris đã có ba nhiệm kỳ thị trưởng dồn dập làm giảm ô nhiễm môi trường.

Những biện pháp được đô thị này áp dụng đó là thay thế đi lại bằng xe hơi bằng phương tiện khác. Bên cạnh đó, Paris cũng tái cơ cấu lại quảng trường lớn. Tàu điện đã được triển khai mới chạy các vành đai đô thị, triển khai buýt nhanh.

Số liệu được cung cấp tại buổi tọa đàm cũng cho thấy trong 20 năm qua Paris đã theo đuổi một chính sách môi trường đầy tham vọng nhằm đáp ứng kỳ vọng cao của người dân.

Năm 2004, Hội đồng Paris đã thông qua bản kế hoạch khí hậu lần đầu tiên. Và sau một loạt buổi tham vấn bền bỉ, năm 2018, bản kế hoạch đã được hội đồng nhất trí đặt ra mục tiêu mới cho vùng TP Paris cho năm 2024 - năm của Thế vận hội Olympic và 2030.

Tuy nhiên, TP Paris vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi nguồn phát thải chính gây ra bụi mịn (PM2.5) là lò sưởi mở vẫn chưa được giải quyết triệt để, và nhận thức của người dân về vấn đề chất lượng không khí trong nhà vẫn cần phải được thay đổi.

TP Paris có kế hoạch phát triển các nghiên cứu có sự tham gia, thông qua việc sử dụng các cảm biến chi phí thấp để biết rõ hơn về việc sử dụng lò sưởi và thu thập ý kiến công chúng, tạo ra một kênh giao tiếp hiệu quả giữa chính phủ và người dân.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm