Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (2-10), báo chí đã đặt câu hỏi về vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội thời gian qua. Trả lời, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết những ngày qua, cả Bộ TN&MT và UBND TP Hà Nội đã cung cấp khá đầy đủ thông tin.
Ông cho hay có nhiều phương pháp đo bụi mịn PM 2.5, và có nhiều trang mạng thông tin về nồng độ bụi mịn cũng như chất lượng không khí, tuy nhiên để tiếp cận thông tin, cần tiếp cận từ các trang web chính thức của cơ quan môi trường Bộ và Hà Nội.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
“Đo bụi mịn trước đây khó khăn, nhưng giờ công nghệ gần đây đã làm được với nhiều phương pháp khác nhau. Có nhiều quốc gia lắp đặt thiết bị chuẩn mực, có kiểm định chuẩn thì số liệu chuẩn hơn. Nhưng có những thiết bị cầm tay nhỏ gọn đo tức thời, nhưng do không được chuẩn hóa nên các số liệu sẽ không chính thức" - ông Thành nói và đề nghị báo chí và người dân cần tham khảo các số liệu chính thức từ trang web của cơ quan môi trường của Hà Nội - nơi cung cấp các số liệu đã được các thiết bị chuẩn hóa, do các cơ quan chuyên môn đo.
Ông Thành cũng cho hay hiện cả Hà Nội và TP.HCM đang có kế hoạch để lắp đặt các trạm quan trắc không khí. Về dài hạn, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch 85 để quản lý chất lượng không khí trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn.
“Tới đây, Bộ TN&MT và các bộ, ngành, địa phương sẽ tích cực triển khai kế hoạch này. Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn về ô nhiễm không khí để cảnh báo kịp thời cho người dân về hiện tượng này” - ông Thành nói.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay hiện Hà Nội có 11 trạm quan trắc đánh giá về chất lượng không khí. Các chỉ số về NO2, CO3, SO2 những ngày qua trong ngưỡng an toàn, nhưng bụi mịn thì vượt ngưỡng.
“Hà Nội xác định công bố các thông tin về chất lượng không khí thường xuyên hằng ngày, thông tin về chất lượng không khí được chuyển từ các trạm về trung tâm 5 phút một lần. Và cổng thông tin điện tử của TP Hà Nội, cơ quan môi trường Hà Nội, các báo của Hà Nội đều liên tục cập nhật, công bố các chỉ số này” - ông Hùng nói. Theo đó, ông Hùng đề nghị báo chí và người dân nên lấy các số liệu của các cơ chuyên môn có cơ sở và độ tin cậy cao hơn.
Về giải pháp, ông Hùng cho hay Hà Nội đã và đang tập trung kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm. “Trong những năm vừa qua Hà Nội đã lắp đặt các trạm quan trắc không khí, dự kiến đến năm 2020 sẽ đặt 25 trạm đủ tiêu chuẩn. Đặc biệt, TP đang tập trung xử lý nguồn xả thải gây ô nhiễm đến không khí như đầu tư các nhà máy đốt rác công nghệ cao; kiểm soát phương tiện giao thông, nhất là đối với xe không đảm bảo chất lượng xả thải công trình; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng; vận động người dân không đốt rơm rạ và có thay thế giải pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch…”.