Dự án đường vành đai 4: Tạo thêm động lực cho Hà Nội và vùng lân cận

Dự án được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ mở thêm không gian, tạo động lực cho Hà Nội và các tỉnh lân cận phát triển...

Siêu dự án 94 nghìn tỉ

Hiện Hội đồng thẩm định nhà nước đang xem xét, thẩm định dự án tuyến đường vành đai 4 – vùng thủ đô với tổng chiều dài hơn 111 km, tổng vốn đầu tư hơn 94 nghìn tỷ đồng. Nếu được thông qua, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.

Trước đó vào cuối tháng 9, Thành ủy Hà Nội đã có nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời UBND TP Hà Nội cũng có tờ trình về việc thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng thủ đô.

Theo tờ trình này, dự án dự kiến có tổng chiều dài 111,2 km, gồm 102,2 km đường Vành đai 4 và 9 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành. Trong đó tuyến qua Hà Nội có chiều dài 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Tuyến qua Hưng Yên dài 19,8 km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm). Tuyến qua Bắc Ninh dài 24,2 km và tuyến nối 9 km đi qua 3 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh).

Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 94.127 tỉ đồng với cơ cấu nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028, trong đó từ năm 2021 - 2022 chuẩn bị công tác lập hồ sơ đầu tư dự án; từ năm 2022 đến 2025 thực hiện GPMB; từ 2022 - 2026 thi công đường gom đô thị đi bằng; từ 2022 đến 2028 thi công đường cao tốc trên cao.

Theo quy hoạch (Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ), đường vành đai 4 sẽ có mặt cắt ngang 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt cắt ngàn la 120 m. Đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu tổng chiều rộng mặt cắt ngày 135 m, một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệm khó khăn về giải phóng mặt bằng có thể thu hẹp dải dự trữ...

Tuy nhiên căn cứ vào nhu cầu vận tải, khả năng căn cân đối nguồn lực đầu tư, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Hà Nội kiến nghị đầu tư theo hình thức phân kỳ, trong đó giai đoạn 1 sẽ đấu nối thông toàn tuyến với quy mô 4 làn xe, một số đoạn lưu lượng cao có thể xem xét mở rộng trong quá trình khai thác nếu có nhu cầu và bố trí được nguồn lực.

Thêm không gian phát triển

UBND TP Hà Nội cho rằng việc sớm đầu tư hoàn thành tuyến đường vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội theo quy hoạch, sẽ tạo thêm động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế, xã hội của vùng Thủ đô. Cụ thể dự án sẽ hình thành tuyến đường vành đai liên kết vùng, phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận, liên kết các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiêu quả tuyến đường này. Bên cạnh đó, dự án sẽ giải quyết được hiện trạng ùn tắc tại khu vực trung tâm Hà Nội và các đô thị vệ tinh, tạo kết nối thuận lợi giao thông giữa sân bay Nội Bài với các tỉnh, thành xung quanh. Đồng thời dự án cũng sẽ tạo điều kiện để các tỉnh, thành quanh Hà Nội phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Phát biểu trên báo chí nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc đầu tư Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô được Hà Nội xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

“Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Liên quan đến dự án này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay khẳng định việc sớm triển khai, hoàn thành dự án tuyến đường vành đai 4 – vùng thủ đô trước mắt sẽ giải tỏa ngày vấn đề ùn tắc nội đô cho Hà Nội. “Hiện toàn bộ các xe chở người, hàng hóa qua địa bàn Hà Nội đều phải đi qua các đường vành đai nội vùng của Hà Nội, dẫn đến tình trạng các tuyến đường này thường xuyên ùn tắc, quá tải. Điển hình là tuyến đường vành đai 3. Chính vì vậy việc có thêm tuyến đường mới sẽ giúp phân luồng phương tiện quá cảnh, giảm áp lực cho giao thông nội đô” – ông nói.

Bên cạnh đó, dự án sẽ đẩy nhanh việc phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội, góp phần giãn mật độ dân cư nội đô, hạ tầng được phát triển đồng bộ, từ đó tạo thêm nhiều động lực phát triển cho Hà Nội, các đô thị vệ tinh và các tỉnh lân cận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm