Dự kiến hoàn thiện tuyến metro số 2 trong vòng 4 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết tuyến metro số 2 đang gặp nhiều hạn chế, khó khăn bởi dịch COVID-19, song chủ đầu tư vẫn đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị nhằm sớm hoàn thiện hồ sơ mời thầu trong năm 2021.

Theo đó, dự kiến năm 2022 tiến hành tổ chức thi công giai đoạn 1 của tuyến metro số 2, cuối năm 2026 sẽ vận hành chạy thử và khai thác.

Tuyến metro số 2 sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây Bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh hai khu đô thị mới của TP.HCM là khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Từ đó, cải thiện môi trường sống, góp phần xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường. 

Kỳ vọng vào tuyến metro số 2

Theo MAUR, giai đoạn 1 của tuyến metro số 2 được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm TP về phía tây bắc và ngược lại. Đó cũng là nền tảng, cơ sở để phát triển các tuyến đường sắt đô thị còn lại.

Tuyến metro số 2 sẽ kết nối với tuyến metro số 1 và tương lai là các tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị. Từ đó, thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục đông - tây vào trung tâm TP.

Theo MAUR, hiện nay tỉ lệ bàn giao mặt bằng tuyến metro số 2 đạt 78,7% (475/603 trường hợp). Chủ đầu tư đã tiếp nhận bàn giao mặt bằng 5/10 nhà ga và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương từ UBND các quận Tân Bình, Tân Phú, 10, 12.

Tuyến metro số 2 cơ bản đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trên
địa bàn sáu quận. Ảnh: ĐÀO TRANG

Sau khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn sáu quận, Sở TN&MT đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư là 4.353,789 tỉ đồng (tăng khoảng 520 tỉ đồng so với năm 2019).

Theo MAUR, căn cứ tình hình thực tế của dự án, do thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở, tính toán, cập nhật và điều chỉnh tổng mức đầu tư nên thời gian hoàn thành dự án đã được điều chỉnh. Cụ thể, 2011-2021 là giai đoạn khảo sát, thiết kế nền tảng và tổ chức đấu thầu; giai đoạn 2022-2026 tiến hành tổ chức thi công và cuối năm 2026 sẽ vận hành chạy thử, khai thác.

Hoàn thiện hồ sơ mời thầu trong năm 2021

Theo MAUR, hiện dự án đã triển khai thi công và hoàn thành gói thầu xây lắp đầu tiên (gói thầu CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương). Đây là văn phòng làm việc của chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn trong thời gian thực hiện xây dựng dự án, sau này sẽ là tòa nhà trung tâm vận hành của tuyến metro số 2.

Đối với các gói thầu CP2 (hạ tầng depot Tham Lương), CP3 (hầm và các ga ngầm), CP4 (đoạn trên cao, cầu cạn, đường dẫn vào depot Tham Lương), CP5 (cơ điện hệ thống), CP6 (đường ray), CP7 (cơ điện không hệ thống), UBND TP.HCM đã chấp thuận hủy quá trình đấu thầu của một số gói thầu để thực hiện lại quy trình lựa chọn nhà thầu. Hiện MAUR đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ mời thầu các gói thầu chính để tổ chức lựa chọn nhà thầu vào cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, MAUR đang làm việc với nhà tài trợ để thống nhất về các nội dung còn tồn đọng đối với các gói thầu xây dựng hầm, các ga ngầm; các đoạn trên cao, cầu cạn, đường dẫn vào depot (CP3, CP4).

Sau khi tư vấn IC được huy động lại hoặc tư vấn CS2B được ký kết hợp đồng, các tư vấn này sẽ thực hiện hoàn thiện hồ sơ mời thầu các gói thầu chính tổ chức phát hành trong năm 2022 hoặc 2023.

Nhìn nhận về khó khăn của dự án, MAUR nhận định năng lực của đơn vị tư vấn trong nước, chủ đầu tư, cơ quan chủ quản còn nhiều hạn chế trong quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư ban đầu vào năm 2010. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện dự án sau này đã gặp nhiều vấn đề phát sinh. Theo đó, phải điều chỉnh thiết kế dự án, làm phát sinh chi phí.

Ngoài ra, những thay đổi về chính sách tiền lương, trượt giá xây dựng, cơ cấu và lãi suất các khoản vay của các nhà tài trợ... dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.

Không chỉ vậy, dự án hợp vốn từ ba nhà tài trợ nên trong quá trình triển khai cần phải hài hòa thủ tục giữa các bên.

Đến nay, các nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở và dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận cho phép thực hiện, đồng thời Chính phủ cũng đã tổng hợp, báo cáo Quốc hội để theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, MAUR cũng cho biết do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 qua các đợt bùng phát tại TP.HCM, làm việc trao đổi với các đối tác nước ngoài gặp khó khăn và hiệu quả chưa cao, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các nhóm công việc liên quan của dự án.

Để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án đúng tiến độ, MAUR kiến nghị các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh các thủ tục để sớm gia hạn thời gian giải ngân khoản vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và ký hiệp định vay vốn bổ sung cho dự án.•

Vẫn đang lựa chọn tư vấn

Theo MAUR, đối với gói thầu CS2B - tư vấn mới thực hiện công tác quản lý dự án và giám sát thi công. Hiện MAUR đã thống nhất với nhà tài trợ KfW về cách thức và kế hoạch triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, dự kiến tổ chức sơ tuyển trong quý IV-2021.

MAUR cho biết việc đàm phán phát sinh hợp đồng với tư vấn IC kéo dài từ tháng 11-2020 đến tháng 2-2021 và không thể đạt được kết quả do tư vấn IC vẫn giữ quan điểm yêu cầu thanh toán không đúng điều kiện hợp đồng và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau đó tư vấn IC đã có văn bản đề nghị mở lại đàm phán để có thể tiếp tục hoàn thành giai đoạn A của hợp đồng IC. Hiện MAUR đang xem xét, làm việc với tư vấn IC về các vấn đề còn vướng mắc của hợp đồng IC trước khi tiếp tục đàm phán.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm