“Theo đề nghị của Chính phủ, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 được tách thành hai dự luật (Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB). Tuy nhiên, việc tách này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy…”.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, chia sẻ như trên với Pháp Luật TP.HCM về đề xuất tách Luật GTĐB 2008.
Tách luật giao thông là không phù hợp
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nêu quan điểm: GTĐB gồm bốn yếu tố là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông và người tham gia GTĐB. Bốn thành tố này là một thể thống nhất không thể tách rời, bởi nếu tách rời sẽ dẫn tới hệ thống kết cấu hạ tầng GTĐB chỉ là phần diện tích đất nối liền hoặc được nối với nhau bởi một cây cầu mà trên đó không có công trình kiến trúc.
Nếu tách ra thì phương tiện giao thông chỉ là tài sản cấu tạo vật chất có thể di chuyển được theo sự điều khiển của con người. Người điều khiển hoặc người tham gia giao thông chỉ là cá nhân con người và quy tắc GTĐB chỉ là quy tắc trên giấy, không có đối tượng điều chỉnh. Do vậy, chỉ khi nào con người điều khiển phương tiện giao thông hoặc đi bộ trên đường giao thông thì lúc ấy mới tồn tại khái niệm GTĐB.
Cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng Luật GTĐB là một luật chuyên ngành có bốn chế định chính, với bốn phạm vi điều chỉnh đó là kết cấu hạ tầng, phương tiện, con người điều khiển giao thông và quy tắc giao thông. Nếu tách bốn yếu tố này sẽ phá vỡ kết cấu hệ thống giao thông.
Hơn nữa, trật tự an toàn giao thông chỉ là mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật GTĐB, chứ không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật GTĐB hay Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Do vậy, nếu tách thành hai luật sẽ phát sinh hệ lụy là hệ thống đường bộ chỉ còn là công trình GTĐB và về mặt quản lý nhà nước, công trình GTĐB lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
“Với logic này và nếu tiếp tục tách các luật hàng không, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt… thành hai luật: Một luật quy định về kết cấu hạ tầng và một luật quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường hàng không, đường thủy, đường sắt… thì có lẽ phải bỏ Bộ GTVT” - Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay và đề nghị không tách Luật GTĐB.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc tách Luật GTĐB 2008 thành hai dự luật là duy ý chí, không có cơ sở khoa học. Thừa một luật nhưng luật nào cũng thiếu.
Cụ thể, về Luật GTĐB (sửa đổi) bị thiếu hai thành tố quan trọng là quy tắc GTĐB và người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB. Do vậy, quan điểm của ông Thanh là nên chỉ có một luật GTĐB. Trong đó, lần sửa này phân công nhiệm vụ và quyền hạn thật rõ ràng cho Chính phủ và các bộ, ngành phải thực hiện tới từng điều của luật. Không vì thay đổi một số nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành trong Luật GTĐB năm 2008 mà tách luật.
Học viên học lái xe ô tô tại một trung tâm đào tạo lái xe ở TP.HCM. Ảnh: LƯU ĐỨC
Có bảo đảm cơ chế giám sát quyền lực?
Về việc chuyển đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng đây là chính sách lớn, tuy nhiên hồ sơ cả hai dự án luật không có đánh giá tác động đầy đủ, khách quan.
Nhiệm vụ của lực lượng công an trong lĩnh vực này là kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật. Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng nếu chuyển thẩm quyền trên cho Bộ Công an sẽ dẫn tới một số hệ lụy rất lớn là lãng phí. Bởi lẽ hiện nay cả nước có tới 463 cơ sở đào tạo lái xe máy, 339 cơ sở đào tạo lái ô tô đang được xã hội hóa 100%. Nếu chuyển thì hơn 2.000 cán bộ, công chức mất việc. Đồng thời, Bộ Công an phải bổ sung biên chế, tổ chức bộ máy và ngân sách tương tự để thực hiện việc đào tạo lái xe.
Nếu vì lý do GPLX giả để chuyển nhiệm vụ trên, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng sẽ không thuyết phục. “Bởi hiện nay đã xuất hiện giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu giả, không lẽ lại chuyển nhiệm vụ cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu từ Bộ Công an sang bộ khác… ?” - thiếu tướng đặt câu hỏi.
Để khắc phục tình trạng cấp GPLX giả, nâng cao chất lượng đào tạo, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ đề xuất sửa Luật GTĐB theo hướng bổ sung quy định đại diện công an là thành phần bắt buộc của hội đồng thi sát hạch, cấp GPLX…
Trên quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng trong 25 năm qua, Bộ GTVT quản lý tốt, đã ổn định công tác này, thay đổi sẽ gây xáo trộn xã hội rất lớn.
Nếu Bộ Công an đảm nhận công tác này sẽ khép kín từ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đến xử lý vi phạm, có thể thuận lợi cho ngành công an. Nhưng ông phân vân về tính độc lập của ba thành tố là lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt có bảo đảm cơ chế giám sát quyền lực không.
Liệu những tiêu cực từ trước tới nay của công tác này khi chuyển đổi sang Bộ Công an quản lý có ngăn chặn được không? Chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe có được nâng lên không? Ông Thanh cho rằng thực tế này chưa được kiểm chứng. “Vì vậy, theo tôi, công tác này thuộc lĩnh vực dân sự nên để cơ quan dân sự đảm nhận, không nên giao cho lực lượng vũ trang thực hiện…” - ông Thanh nêu quan điểm.
Nên thăm dò dư luận xã hội Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng nên chăng giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý đào tạo lái xe. Bộ GTVT quản lý việc sát hạch và cấp GPLX. Công an chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. “Để tạo sự đồng thuận lớn, tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội nên giao một tổ chức độc lập tổ chức thăm dò dư luận xã hội về hai dự luật trên” - ông Thanh nói. |