Bộ GTVT vừa quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long), thay thế cho Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long).
Chưa xác định được nguồn vốn
Theo đó, PMU Thăng Long cần khẩn trương giao, nhận hồ sơ và các tài liệu liên quan cho Tổng Công ty Cửu Long để đơn vị này tiếp tục triển khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thủ tục đầu tư.
Đại diện Bộ GTVT cho hay dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đơn vị phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 10-2019, dự kiến thực hiện từ năm 2020 đến 2022. “Khó khăn chính của dự án là việc bố trí vốn và xác định nguồn vốn. Cụ thể, dự án đã lập xong hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB), tuy nhiên chưa thể triển khai lựa chọn nhà thầu cắm cọc do chưa xác định được nguồn vốn dù dự án được Quốc hội thông qua danh mục bố trí vốn …” - Bộ GTVT cho hay.
Vì vậy, cuối tháng 2, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao Bộ KH&ĐT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án để Bộ GTVT có cơ sở triển khai. “Đồng thời, Bộ KH&ĐT sớm bố trí vốn hỗ trợ của Nhà nước cho dự án triển khai GPMB để khi lựa chọn được nhà đầu tư có thể triển khai thi công ngay…” - đại diện Bộ GTVT cho biết.
Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ là nơi đấu nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: KB
Đề xuất sớm bố trí vốn cho dự án
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) theo hình thức PPP được Bộ GTVT phê duyệt năm 2017, tổng mức đầu tư 5.408 tỉ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án khoảng 18 năm hai tháng (dự kiến từ năm 2021) và hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là bốn năm hai tháng (dự kiến từ tháng 4-2028 đến tháng 6-2032).
Tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nhà nước không trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mà phải thực hiện đấu giá. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho dự án để phục vụ công tác GPMB, đồng thời tiến hành các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư.
Sau đó, dự án được Bộ GTVT điều chỉnh tổng mức đầu tư xuống còn 4.758 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ công tác GPMB là 923 tỉ đồng. Tiếp đó, Bộ GTVT đã xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước và gửi Bộ KH&ĐT thẩm định. Tuy nhiên, do khó khăn trong huy động nguồn vốn vay thương mại, việc triển khai đầu tư theo hình thức PPP gặp khó khăn, khó xác định được thời điểm hoàn thành. Trong khi đó đây là dự án rất quan trọng đối với phát triển kinh tế khu vực này.
Thực hiện Chỉ thị số 11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với dịch COVID-19, Bộ GTVT đã nghiên cứu đề xuất các phương án triển khai dự án. Cụ thể, ngoài việc tiếp tục triển khai dự án theo hình thức PPP thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư, hoặc triển khai theo hình thức PPP nhưng áp dụng cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư. Ngoài ra, Bộ GTVT xây dựng phương án chuyển đổi sang đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác để thu hồi vốn.
Ngày 25-3, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến dự án này. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì hoàn thiện dự thảo báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị. Trong đó, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức PPP sang đầu tư công.
“Báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ cũng cần đề xuất bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật...” - Thủ tướng chỉ đạo.