Đề xuất giải pháp triển khai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Ngày 20-3, nguồn tin của PLO cho biết Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp triển khai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đảm bảo thông tuyến cao tốc TP.HCM đến Cần Thơ năm 2021, hoàn thành năm 2022.

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ bao gồm bốn dự án thành phần: Dự án TP.HCM - Trung Lương đang vận hành, khai thác; dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai theo hình thức PPP, hoàn thành trong năm 2022; dự án cầu Mỹ Thuận 2, đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, đang lựa chọn nhà thầu thi công và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, đầu tư theo hình thức PPP, chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) với chiều dài 23 km, có điểm đầu kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư từ tháng 4-2018 nhưng không thực hiện được và đã hủy kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, đến nay chưa ban hành lại hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư. Nếu Bộ GTVT tiếp tục cho đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tiếp tục kéo dài thời gian, không đảm bảo tiến độ kết nối vào đoạn TP.HCM đến Mỹ Thuận.

Đồ họa tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Nhằm đảm bảo việc khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP.HCM đến TP Cần Thơ, tạo động lực phát triển cho các tỉnh ĐBSCL, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Thủ tướng giải pháp thực hiện dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cụ thể, công ty đề xuất điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; UBND các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thực hiện giải phóng mặt bằng trong phạm vi địa giới hành chính của các tỉnh.

Đối với cơ cấu vốn đoạn cao tốc này, công ty đề nghị khi vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 2.400 tỉ đồng, phần còn lại do doanh nghiệp dự án là công ty và Tập đoàn Đèo Cả sẽ là đầu mối cùng các đối tác là các nhà đầu tư, nhà thầu,... tại các dự án hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ huy động từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn hợp pháp khác... đáp ứng tiến độ dự án (được tính toán lãi như phần vốn vay ngân hàng làm cơ sở để điều chỉnh dự án).

Ngoài ra, công ty cho biết sẽ rút ngắn thời gian triển khai còn khoảng 34 tháng (so với trình tự thông thường là 41 tháng), đảm bảo thông toàn tuyến từ TP.HCM đến Cần Thơ trong năm 2021, hoàn thành trong năm 2022. Tăng tính khả thi khi rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án trước đây từ 14 năm tám tháng còn 12 năm sáu tháng (khoảng hai năm hai tháng). 

Theo tìm hiểu, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23 km, với tổng mức đầu tư 4.758 tỉ đồng, điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối kết nối với đường dẫn cầu Cần Thơ - đoạn thuộc địa phận Vĩnh Long. Dự án này từ tháng 4-2018, Bộ GTVT đã tổ chức sơ tuyển để lựa chọn nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa chọn được. Trong khi đó, đầu tháng 3-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác và kiểm tra công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp để triển khai thi công đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, khẩn trương hoàn thành để kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP.HCM đến Cần Thơ trong năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm