Sáng 29-6, Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Phải tính đến phương án khẩn nguy
Theo đó, dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài gồm nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và 11R/29L (1B), xây mới ba đường lăn thoát nhanh và nâng cấp các đường lăn hiện hữu. Cạnh đó, dự án còn xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước… Tổng mức đầu tư dự án là 2.031 tỉ đồng, hoàn thành vào tháng 12-2022.
Tại Tân Sơn Nhất, đơn vị thi công sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L, xây mới các đường lăn thoát nhanh và nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu... Tổng mức đầu tư dự án là 2.015 tỉ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2021.
Các đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ được đóng từng phần để đảm bảo thi công và không làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động khai thác ở sân bay. Đây là các dự án khẩn cấp được Chính phủ cho phép rút ngắn trình tự đầu tư và sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu dự án phải đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, chống thất thoát, lãng phí, xử nghiêm các vi phạm nếu có.
Bộ GTVT được giao nhiệm vụ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng phương án khai thác, điều hành hoạt động bay tại hai sân bay một cách khoa học, bảo đảm an toàn, an ninh hàng không suốt quá trình xây dựng. “Trong đó, nhà chức trách hàng không phải tính đến các phương án khi có tình huống khẩn nguy” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN, cho biết theo tính toán của đơn vị, khi một trong hai đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất đóng cửa để sửa chữa, năng lực khai thác tại sân bay sẽ giảm xuống 30%-35%.
“Tân Sơn Nhất từ 44 chuyến/giờ giảm xuống còn 32 chuyến/giờ, Nội Bài từ 32 chuyến/giờ xuống còn 29 chuyến/giờ. Tuy nhiên, việc giảm tần suất khai thác trên không ảnh hưởng lớn đến hoạt động bay. Bởi các đường bay quốc tế thông thường chiếm 50% hoạt động tại các cảng nhưng do dịch COVID-19 đã dừng lại và nếu hoạt động trở lại cũng chưa thể đạt công suất 100% mà phải có lộ trình…” - ông Thắng cho hay.
Cục trưởng Cục HKVN cũng khẳng định đơn vị đã lên các phương án khẩn nguy, trong đó có phương án một đường băng đóng cửa và một đường băng còn lại gặp sự cố như ở Tân Sơn Nhất vừa qua.
Đợt trước, các công nhân đã tiến hành trám vá trên đường lăn S2 sân bay Nội Bài. Ảnh: VIẾT LONG
Khách cần đến sân bay trước hai tiếng
Ông Tô Tử Hà, Phó Giám đốc sân bay Nội Bài, cho biết để chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh có thể xảy ra trong thời gian tạm đóng cửa một đường băng, đơn vị đã tiến hành điều chỉnh phương án khẩn nguy, cứu nạn, cứu hộ, di dời máy bay. Cạnh đó, đơn vị cũng quán triệt các lực lượng liên quan tăng cường phối hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.
Theo Bộ GTVT, việc khởi công các dự án vào thời điểm này là cần thiết, vì tần suất khai thác các chuyến bay tại hai cảng vẫn thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sau khi hết dịch, nhu cầu vận tải tăng cao, việc đóng cửa đường băng để sửa chữa sẽ rất khó khăn. |
Ngoài ra, để phục vụ công tác sửa chữa đường băng, Cục HKVN đã đưa ra phương án đóng lần lượt từng đường băng tại các cảng hàng không này từ ngày 1-7 đến hết năm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động bay trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác, tần suất chuyến bay trong một giờ sẽ giảm do máy bay chỉ cất và hạ cánh trên cùng đường băng. Cụ thể, nhiều chuyến bay trong khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 12 giờ đến 14 giờ, từ 16 giờ đến 18 giờ sẽ được giãn vào các giờ thấp điểm.
“Trong thời gian thi công dự án, hành khách đi máy bay cần theo dõi chặt chẽ thông tin từ hãng hàng không, chủ động đến sân bay trước chuyến bay ít nhất 2 giờ để hoàn thành thủ tục hàng không, nhất là trong các khung giờ cao điểm nêu trên” - ông Hà khuyến cáo.
Đường cất hạ cánh, đường lăn hai sân bay xuống cấp nghiêm trọng Từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuống cấp nghiêm trọng. Một lý do nữa là hệ thống đường băng, đường lăn hiện hữu tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến 44 triệu hành khách/năm đối với Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Tân Sơn Nhất vào năm 2025. Do vậy, việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn của hai sân bay này là hết sức cấp bách. |