Ngày 17-2, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết việc cấm xe ba trục và xe 29 chỗ trở lên qua thị xã Cai Lậy là để tránh ô nhiễm, ùn tắc. Theo ông Bon, trước đó địa phương có đề xuất cấm xe đi qua nội ô Cai Lậy gửi Tổng cục Đường bộ, sau đó đơn vị này đã chỉ đạo cho Cục Quản lý đường bộ IV tiến hành cắm biển.
Có đường tránh thì phải đi
Nói về nguyên nhân việc buộc các xe này đi tuyến tránh, ông Bon cho hay về góc độ địa phương, khi đã có tuyến tránh thì phải để các phương tiện lưu thông qua tuyến tránh để giảm lưu lượng xe qua thị xã. Việc này chủ yếu phân luồng giao thông, chống ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông ở ngã tư Cai Lậy.
Riêng về các phương tiện của doanh nghiệp (DN) vận tải, DN kinh doanh nông sản đóng trên địa bàn thị xã, sở sẽ tiến hành thống kê và cấp phép để lưu thông. “Chúng tôi đang làm văn bản hướng dẫn Phòng Quản lý đô thị thị xã Cai Lậy thông tin cho tất cả DN trên địa bàn có nhu cầu lưu thông qua đoạn đường đang hạn chế liên hệ Sở GTVT để được hướng dẫn cấp phép lưu thông” - ông Bon nói.
Liên quan đến thông tin nhiều người cho rằng tuyến tránh có mặt đường nhỏ hơn đường quốc lộ (QL) hiện hữu, hiện trạng trên đường tránh đã xuống cấp, không đảm bảo giao thông, ông Bon khẳng định các xe chạy qua tuyến tránh vẫn ổn, nhanh hơn và không ùn tắc so với lưu thông qua nội ô Cai Lậy. “Nếu tập trung hết vào QL sẽ gây ùn tắc đoạn ngã tư Cai Lậy, như vậy xây dựng tuyến tránh để làm gì?” - giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang bày tỏ.
Ngày 17-2, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết sau khi có ý kiến của địa phương và kiểm tra thực tế, đơn vị đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội ô thị xã Cai Lậy. Sau đó Cục Quản lý đường bộ IV được giao nhiệm vụ làm việc với các đơn vị liên quan và tiến hành cắm biển cấm một số phương tiện vào nội ô thị xã Cai Lậy.
Biển cấm xe tải từ ba trục và xe khách từ 29 chỗ ngồi trở lên lưu thông vào thị xã Cai Lậy. Ảnh: CHÂU ANH
Nên cấm theo giờ?
Việc cấm xe tải từ ba trục và xe khách từ 29 chỗ trở lên đi vào khu vực nội ô thị xã Cai Lậy khiến nhiều tài xế, DN vận tải lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng việc này là buộc các xe phải đi vào tuyến tránh. Đồng thời, QL là đường giao thông quốc gia, làm ra để cho người dân lưu thông, việc cấm như vậy là không hợp tình, hợp lý.
Giám đốc một DN kinh doanh thủy sản tại thị xã Cai Lậy cho biết việc ùn tắc xe tại ngã tư Cai Lậy là có. Tuy nhiên, đây không phải là điểm đen về ùn tắc giao thông. Ùn tắc chỉ xảy ra vào giờ cao điểm hay thời gian lễ, tết khi lưu lượng xe tăng đột biến. “Nếu muốn cấm xe đi vào nội ô Cai Lậy, theo tôi nên cấm theo giờ như một số địa phương khác. Không thể ép xe trọng tải lớn đi hết vào đường tránh, vì cấm như vậy thì hạn chế người giao thương với DN chúng tôi hoặc sẽ tốn thêm chi phí trung chuyển” - vị này đề xuất.
Đồng quan điểm, một người dân cho rằng trước mắt nên cấm xe tải từ 1,5 tấn, xe khách trên 29 chỗ vào trung tâm thị xã buổi sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30, buổi trưa từ 11 giờ đến 13 giờ 30 và buổi chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ. Hết giờ cao điểm thì cho xe chạy vào ban đêm và hạn chế đến 6 giờ 30 sáng.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, đặt ra hai vấn đề về việc cấm xe ba trục và 29 chỗ lưu thông qua thị xã Cai Lậy.
Thứ nhất là hiện tượng ùn tắc giao thông nếu chưa đến mức độ trầm trọng thì có nên quyết định cấm xe hay không. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý đưa ra số liệu cho thấy nơi đây thường xuyên ùn tắc giao thông. Đặc biệt, nguy cơ mất an toàn giao thông khi các xe lưu thông qua cầu hẹp trong các ngày lễ, tết. Thứ hai, khi cắm biển cấm, cơ quan nhà nước cần giải thích và tạo điều kiện cho người dân. Ở đây, Sở GTVT tỉnh đã tạo điều kiện cho những người có nhu cầu di chuyển trong thị xã được cấp thẻ lưu thông. Còn những phương tiện không có nhu cầu thì lưu thông qua đường tránh để giảm áp lực giao thông trên tuyến.
Đề cập đến đề xuất cấm theo giờ, ông Hùng cho rằng TP.HCM thực hiện cấm theo giờ rất tốt. Ở Tiền Giang, nếu cơ quan quản lý thực thi giải pháp cấm theo giờ mà không giải quyết được thì sẽ cấm toàn diện.
Về đề xuất nên cấm theo giờ, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng trong quá trình cấm một số phương tiện, các đơn vị sẽ tiến hành theo dõi, đánh giá và điều chỉnh nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt: “Vì vậy, những kiến nghị của một số tài xế chúng tôi sẽ tiếp thu. Đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương đánh giá thực tế, báo cáo cấp trên để điều tiết giao thông cho phù hợp…” - ông Thành cho hay.
Cấm xe vào nội ô thị xã Cai Lậy là đúng luật Lãnh đạo Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết theo khoản 1 và khoản 3 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ có quy định về việc tổ chức giao thông và điều khiển giao thông. Theo đó, ngành giao thông được quyền phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ… Bên cạnh đó, Điều 2 Quyết định 35/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng giao cho Tổng cục Đường bộ thực hiện việc tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt… “Theo đó, có thể khẳng định việc đặt biển cấm một số phương tiện vào nội ô thị trấn Cai Lậy là đúng quy định pháp luật…” - đại diện Vụ An toàn giao thông nhấn mạnh. Trong thời gian này, sở cũng đã làm việc với lực lượng CSGT, hiện nay chủ yếu là tuyên truyền để người dân, các phương tiện ngoài tỉnh nắm rõ. Sau đó, khi việc cấp phép lưu thông đối với phương tiện của các DN địa phương hoàn tất mới tiến hành xử phạt theo quy định. ÔngTRẦN VĂN BON, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang |