Hà Nội đang loay hoay giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, trong đó có tính đến cấm xe máy vào nội đô. Thế nhưng thời gian gần đây UBND TP Hà Nội liên tục đồng ý về chủ trương hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho các dự án cao ốc tại nội đô được nâng thêm chiều cao. Người dân lo ngại với các chủ trương thiếu đồng nhất này, khu vực trung tâm TP sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng quá tải…
Dân phản đối, phường lo ngại
Mới đây, việc Hà Nội “đồng ý về mặt nguyên tắc” cho Tập đoàn Vinaconex xây dựng cao ốc 18 tầng tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) đã gặp sự phản đối của người dân, sự lo ngại của chính quyền phường vì lo hạ tầng khu vực quá tải.
Theo phản ánh của các hộ dân, lô đất mà Vinaconex đề xuất được xây dựng cao ốc 18 tầng vốn nằm trong quy hoạch chi tiết khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (rộng 32 ha, được cấp thẩm quyền phê duyệt năm 1998). Nơi đây có tòa nhà cao gần ba tầng được xây dựng theo quy hoạch (hiện làm trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp), tuy nhiên năm 2018 Hà Nội đã đồng ý về mặt nguyên tắc với đề xuất của Vinaconex cho điều chỉnh quy hoạch tại khu vực này. Theo đó, Vinaconex được nghiên cứu đập bỏ tòa nhà cũ để xây dựng cao ốc 18 tầng, ba tầng hầm.
Việc thay đổi quy hoạch trên khi được đưa ra lấy ý kiến người dân đã gặp sự phản ứng dữ dội của các hộ dân tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Họ cho rằng mật độ cao ốc tại khu đô thị đã rất dày đặc, nếu chất thêm một tòa cao ốc tại đây nữa thì hạ tầng sẽ quá tải; gia tăng dân số sẽ gây áp lực lên giao thông, điện, nước, môi trường sống…
Ngày 22-3, UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) đã có văn bản báo cáo quận về ý kiến của cư dân liên quan đề xuất xây cao ốc tại khu vực trên của Vinaconex. Theo chính quyền phường, qua nhiều buổi họp lấy ý kiến, 100% hộ dân đều phản đối việc Vinaconex xin điều chỉnh quy hoạch trên. UBND phường Nhân Chính cũng đề nghị cấp trên cân nhắc việc cho xây dựng cao ốc 18 tầng tại khu vực này vì lo ngại người dân phản đối, phát sinh điểm nóng.
Tòa nhà cao gần ba tầng tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính này là nơi Vinaconex đề nghị cho xây dựng cao ốc 18 tầng. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Ngoài trường hợp trên, thời gian qua Hà Nội cũng liên tục xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về việc cho triển khai các dự án tòa nhà có số tầng cao vượt quy hoạch đã phê duyệt. Cụ thể đầu năm 2018, Hà Nội có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề xuất xây cao ốc 36 tầng tại khu vực Hồ Tây của Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi, trong khi theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội (được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 7-2011) không cho phép khu vực này xây nhà cao tầng.
Mới đây, Hà Nội cũng có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc tại phố Lý Thường Kiệt. Theo đó, Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét ý kiến đề xuất của các chủ đầu tư cho phép xây cao ốc 12 tầng tại hai ô đất vàng trên phố Lý Thường Kiệt (khu đất số 31-35 và số 45B), trong khi quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của Hà Nội không cho phép xây các công trình cao trên chín tầng tại khu vực này…
Việc xây dựng cao ốc trong đô thị phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt Luật Quy hoạch đô thị. Theo quy định, việc triển khai các quy hoạch chi tiết đã được phân cấp cho địa phương. Tại từng dự án cụ thể cần phải cân nhắc để phát triển đô thị một cách hài hòa, bền vững, giảm tải lên khu vực trung tâm nội đô. Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát vấn đề này. Ông LÊ QUANG HÙNG,Thứ trưởng Bộ Xây dựng |
Giải thích của ông Nguyễn Đức Chung
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đề xuất xây cao ốc 18 tầng của Vinaconex tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định “không có chuyện cho xây nhà cao tầng” tại khu vực này. “Chỗ Vinaconex, đường Lê Văn Lương chắc chắn chúng tôi yêu cầu làm đúng quy hoạch. Cái đó rõ rồi, không có chuyện xây nhà cao tầng ở đấy đâu” - Chủ tịch Hà Nội nói.
Đối với đề xuất cho nâng tầng một số dự án tại khu nội đô lịch sử, ông Chung cho hay hiện Hà Nội chỉ đề nghị nâng tầng cho ba dự án, tuy nhiên có nguyên nhân cụ thể. “Cái đó có lý do thế này, chứ không phải Hà Nội cho phép nâng tầng. Trước đây, họ làm dự án từ năm 2007 thì đã đồng ý cho xây 14 tầng rồi. Lúc đó chưa làm quy hoạch chung. Sau đó họ làm chủ trương đầu tư, phê duyệt thiết kế 14 tầng. Đến khi làm quy hoạch chung (Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011) thì hạ xuống còn 12 tầng. Đến nay việc triển khai các dự án này gặp khúc mắc giữa hai văn bản trên. Chính vì vậy Hà Nội mới đề xuất Thủ tướng xem xét để tháo gỡ khó khăn cho triển khai các dự án trên” - ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, từ khi Hà Nội ban hành Quyết định 11 về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử (tháng 4-2016), đến nay Hà Nội không có công trình cao ốc nào được nâng tầng vượt quá quy định của quyết định này.
Phải lắng nghe ý kiến của người dân Liên quan đến việc Vinaconex đề xuất xây dựng tòa cao ốc 18 tầng tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, trả lời Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch-Kiến trúc (Bộ Xây dựng), cho hay về thẩm quyền quy hoạch chi tiết khu vực thuộc UBND TP Hà Nội. Việc điều chỉnh phải đảm bảo tuân thủ Luật Quy hoạch đô thị, chặt chẽ, công khai, minh bạch, được sự đồng thuận của người dân và tính khả thi khi thực hiện. “Qua thông tin phản ánh của báo chí, chúng tôi cũng có văn bản đề nghị Hà Nội cân nhắc, lắng nghe ý kiến của người dân khi triển khai quy hoạch này. Nếu không được sự đồng thuận thì cần phải điều chỉnh cho đảm bảo tính pháp lý” - bà Hằng nói. Bà Hằng cũng cho hay việc xây dựng cao ốc tại Hà Nội phải thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy chế đã được phê duyệt. Đó là quy hoạch chung Hà Nội, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử… “Việc Hà Nội cho phép triển khai xây nhà cao tầng tại nội đô phải đảm bảo các căn cứ pháp lý như vậy” - bà Hằng nhấn mạnh. |