Hàng loạt dự án chống kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất 'bất động'

Nhiều năm nay, ngành giao thông đã đề ra nhiều dự án để giải cứu tình trạng kẹt xe khu vực Tân Sơn Nhất, tuy nhiên, đến nay một số dự án vẫn dậm chận tại chỗ.

Áp lực giao thông lớn

Trao đổi với PV PLO, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông), cho biết năm 2018, Bộ GTVT đã điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, với mục tiêu mở rộng đáp ứng 50 triệu hành khách/năm.

“Đây là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, các ngày lễ tết, khi quy mô Cảng hàng không được mở rộng, áp lực giao thông quanh khu vực này sẽ rất lớn”- ông Phúc nhận định.

TAN-SON-NHAT

Nhiều tuyến đường kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất bị tắc tị. Ảnh: ĐT.

Theo Quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, công trình hạ tầng giao thông quanh sân bay được quy hoạch, đầu tư để đồng bộ với việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ông Phúc cho biết, các dự án hạ tầng giao thông quanh khu vực sân bay được xem là trọng điểm của chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông của TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2020 cũng như các năm tiếp theo.

Theo đó, đến nay TP đã đưa vào khai thác cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai ngoài; nút giao khác mức bằng cầu vượt một chiều dạng chữ Y theo hướng đường Trường Sơn vào Nhà ga quốc nội và Nhà ga quốc tế; hoàn thiện toàn bộ dự án cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm.

Đồng thời, Ban Giao thông đã phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ để tiến hành phân luồng giao thông nhằm hạn chế phương tiện đi qua đường Trường Sơn, giảm tải cho tuyến ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Các dự án này đã đem lại hiệu quả ngay trong việc đảm bảo trật tự giao thông khu vực phía trước sân bay.

Tuy nhiên, các biện pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay chỉ là nhất thời. Theo đó, tình trạng ùn tắc giao thông đã tiếp tục tái diễn. Trong khi đó, nhà nước có chủ trương xây dựng nhà ga T3, như vậy áp lực giao thông lên khu vực Tân Sơn Nhất tiếp tục bị đè nặng. Do đó, việc mở rộng và triển khai hàng loạt dự án ở khu vực Tân Sơn Nhất là cấp thiết trong thời điểm này. 

Cam kết hoàn thành sớm dự án nếu có mặt bằng

 Ông Lương Minh Phúc cho biết các dự án để giải toả kẹt xe khu vực này đã có, song do vướng về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nên nhiều dự án chưa thể triển khai.

Đơn cử như dự án cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu), quận Phú Nhuận đã khởi công từ tháng 9-2017. Song đến nay thi công khoảng 90% khối lượng, phần còn lại chờ GPMB. Theo ông Phúc, dự án còn một phần nhỏ khối lượng và chỉ thi công trong hai tháng là hoàn thiện nếu địa phương bàn giao mặt bằng.

TAN-SON-NHAT

Tuy nhiên, khó khăn của các dự án hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: ĐT.

Đối với dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài 783 m, mặt đường rộng 8 - 10m được mở rộng lên 22 m, đã có chủ trương đầu tư từ năm 2017 song đến nay vẫn chưa triển khai được cũng vì vướng mặt bằng. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành trong quý III-2021 nếu địa phương bàn giao mặt bằng trong quý II-2021.

Ngoài ra còn một loạt dự án như: dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long – quận Tân Bình. Ông Phúc cho biết dự án này chỉ cần ba tháng là hoàn thành nếu có mặt bằng. Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa sẽ hoàn thành năm 2023 nếu được bàn giao mặt bằng vào đúng quý I-2020.

Tất cả những dự án này đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2016, song năm 2018, Bộ GTVT đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất tới năm 2030. Tứ đó, những dự án này cũng được điều chỉnh lên năm đoạn với quy mô 6 làn xe, rộng 29,5 - 48m, với tổng kinh phí hơn 4.800 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án mở rộng đường Tân Sơn sẽ hoàn thành vào quý IV-2021 nếu có mặt bằng trước quý I-2022. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa), quận Tân Bình và quận Tân Phú cũng dự kiến hoàn thành quý III-2023 nếu địa phương bàn giao mặt bằng trước quý III-2022.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ), quận Tân Bình và quận Tân Phú dự kiến hoàn thành quý III-2023, với điều kiện địa phương bàn giao mặt trước quý II-2022.

Ông Phúc cho biết hiện nay khó khăn lớn nhất khi triển khai các dự án giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là công tác GPMB. Những vướng mắc và khó khăn trong GPMB trở thành yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông. Bởi các công trình giao thông khu vực này, chi phí cho GPMB là rất lớn (chiếm tỉ trọng trên 50% tổng mức đầu tư). Tuy nhiên, công tác này mất nhiều thời gian, các thủ tục trung bình kéo dài khoảng 1,5 năm, thậm chí có dự án kéo dài từ 2-3 năm.

Theo đó, Ban Giao thông sẽ làm việc với lãnh đạo các quận Tân Bình, Tân Phú để bàn cách đẩy công tác đền bù giải tỏa để sớm triển khai thi công. Hiện lãnh đạo các quận trên đã ủng hộ giải quyết để sớm bàn giao mặt bằng các dự án cho nhà thầu thi công.

Việc giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông khu vực Tân Sơn Nhất cần nhiều thời gian và cần các giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài. Và để giải bài toán này, rất cần sự quyết tâm của Bộ, ngành, TP.HCM và các đơn vị có liên quan để làm sao đảm bảo sự khai thác tốt nhất sân bay Tân Sơn Nhất kể cả khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác”-  ông Phúc khẳng định. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.