“Tôi cho rằng nên bỏ dự án BT (xây dựng - chuyển giao), bởi nó không phù hợp với chính sách đối tác công tư (PPP), vì không có yếu tố cạnh tranh…”.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nêu quan điểm như trên tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Hội thảo do Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ tổ chức diễn ra sáng 6-5.
Các đại biểu tham gia góp ý cho dự luật. Ảnh: V.LONG
Theo ông Lập, về bản chất BT là hình thức mua sắm công thông thường mà Nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt (đổi đất). Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải thanh toán, tức chi tiêu công thông qua đầu tư, do đó suy cho cùng chỉ là một cách “lách” Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.
“Cạnh đó, việc không thanh toán bằng tiền mặt, rất khó công khai và minh bạch hóa trong khâu thẩm định, phê duyệt và chi trả cho chủ đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh…” - ông Lập nói.
Cũng theo vị luật sư này, vừa qua nhiều dự án BT được triển khai, chủ yếu xây dựng đường giao thông liên tỉnh, trụ sở, công trình văn hóa, giáo dục theo kiểu “đổi đất lấy hạ tầng”.
"Các dự án gắn với nhiều hệ lụy tiêu cực như móc ngoặc, tham nhũng, trục lợi chính sách… khiến dư luận bức xúc. Họ gọi dự án BT là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng…” - ông Lập dẫn chứng.
Hình thức BT rất hiếm khi được triển khai ở các nước, với lý do không tận dụng được bất cứ lợi thế gì của khu vực tư nhân và gây khó cho trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
“Nếu dự án BT vẫn được giữ lại trong dự luật, tôi kiến nghị kiên quyết bỏ hẳn cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Thay vào đó Nhà nước thanh toán riêng rẽ cho nhà đầu tư bằng tiền sau khi đã đấu giá quyền sử dụng đất một cách rộng rãi và công khai, minh bạch…” - ông Lập nêu quan điểm.
Về vấn đề huy động vốn đối với các dự án PPP, ông Phạm Minh Đức, Công ty cổ phần Đèo Cả, cho rằng dự luật chưa thực sự khơi thông và giải quyết vấn đề về vốn cho doanh nghiệp dự án.
Cụ thể, dự luật quy định doanh nghiệp dự án được chào bán trái phiếu ra công chúng. Tuy nhiên, việc áp dụng theo Luật Chứng khoán không khả thi đối với doanh nghiệp dự án.
Bởi theo quy định của dự luật PPP chỉ được thành lập để hoạt động mục đích duy nhất là thực hiện hợp đồng dự án. Trong khi đó, điều kiện để phát hành trái phiếu ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán thì doanh nghiệp phải có “hoạt động của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi”. Nhưng khả năng có lãi trước khi có nhu cầu huy động thêm vốn là không khả thi.
“Nên dự luật cần bổ sung các quy định đặc thù hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn đối với các trình tự, thủ tục thực hiện việc chào bán trái phiếu riêng lẻ và chào bán trái phiếu ra công chúng. Có như vậy việc huy động vốn mới có tính khả thi và thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư…” - ông Đức nêu ý kiến.