Cần Thơ ý kiến về việc nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man

UBND TP Cần Thơ vừa có công văn số 3011 nêu ý kiến về báo cáo ĐTM dự án nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man từ 420.000 tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm.

Nhà máy giấy Lee&Man, tọa lạc tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: CHÂU ANH

Nhận xét về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), UBND TP Cần Thơ góp ý UBND tỉnh Hậu Giang cần bổ sung việc nhận định, đánh giá, sự cần thiết của việc nâng công suất của nhà máy giấy. Cạnh đó, cần mô tả chi tiết việc lưu trữ, quản lý sử dụng hóa chất, đồng thời bổ sung phương án phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất của dự án theo đúng quy định vì nhu cầu sử dụng hóa chất của dự án khá lớn.

Theo kết quả chạy mô hình mô phỏng thì việc phát tán khí thải (bụi, SO2,NO2) đều có ảnh hưởng đến TP Cần Thơ. Cụ thể, theo mô phỏng phạm vi ảnh hưởng của khí thải trên địa bàn TP Cần Thơ gồm nhiều xã, phường thuộc quận Cái Răng, Ninh Kiều, Phong Điền. Tuy nhiên, việc nhận định phạm vi bị ảnh hưởng chưa đầy đủ và chính xác.

“Các địa điểm bị ảnh hưởng là các khu vực đô thị, công nghiệp, bệnh viện có tập trung lớn dân cư. Do đó, đề nghị chủ dự án rà soát, chỉnh sửa lại báo cáo. Đồng thời cần có biện pháp xử lý, kiểm soát khí thải đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh khu vực nhà máy và tại TP Cần Thơ” – công văn 3011 của UBND TP Cần Thơ đề nghị.

UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị phải có phân tích, đánh giá sự phù hợp của dự án so với hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt. Mặc khách, chủ dự án phải đưa ra phương án thu gom, quản lý, xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động.

Theo báo cáo, hoạt động sản xuất của dự án có lưu lượng xả thải rất lớn, hiện tại lưu lượng xả thải của nhà máy là 20.000 m3/ngày-đêm, khi nâng công suất, lưu lượng xả thải sẽ tăng lên 55.000 m3/ngày-đêm. Đáng quan tâm là nguồn tiếp nhận nước thải là sông Hậu, con sông lớn nhất và là nguồn cung nước ngọt chính của các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ.

“Trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến xử lý nước thải thì toàn bộ người dân vùng ĐBSCL đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để xác định thiệt hại về môi trường, kinh tế, sức khỏe con người do bị tác động từ ô nhiễm môi trường là một con số tiềm ẩn, khó có thể liệt kê, tính toán triệt để. Do đó, đề nghị chủ dự án hết sức quan tâm, nghiên cứu, bổ sung đánh giá chi tiết các tác động trong suốt quá trình hoạt động của dự án đối với khu vực” – công văn của UBND TP thể hiện.

Việc nâng công suất của nhà máy giấy Lee&Man sẽ làm tăng chất thải quy mô lớn đột ngột có thẻ tác động đến sông Hậu. Ảnh: CHÂU ANH

Từ các phân tích về báo cáo ĐTM, UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cần cẩn trọng, cân nhắc việc cấp chủ trương đầu tư có dự án “Nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam từ 420.000 tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm”. Thay vào đó, UBND tỉnh Hậu Giang cần cấp chủ trương đầu tư cho dự án nâng công suất theo lộ trình tăng dần, tăng từng giai đoạn trên cơ sở tổng lượng chất thải phát sinh để tránh trường hợp làm tăng chất thải quy mô lớn đột ngột.

Cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét công khai số liệu quan trắc môi trường của dự án, số liệu quan trắc môi trường khu vự xung quanh dự án để cộng đồng dân cư cùng biết, cùng hiểu và cùng giám sát.

Mặc khác, UBND tỉnh Hậu Giang cần rà soát, đánh giá lại hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đánh giá mức độ đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực dự án và các địa phương có sử dụng nước của sông Hậu. Trong đó phải xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, kiệt nước vào mùa khô hay các tác động xuyên biên giới do các dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính phía thượng nguồn sông Me Kong.

UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu công ty thường xuyên liên tục vận hành các hệ thống xử lý chất thải (nước thải, khí thải, mùi) để kiểm soát tốt các nguồn phát sinh chất thải không để ảnh hưởng đến người dân xung quanh dự án và các tỉnh, thành phố lân cận.

Trước đó, tháng 1-2019, Bộ TN&MT đã bác đề xuất về việc nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man từ 420.000 tấn/năm lên 1,42 triệu tấn/năm. Theo đó, Bộ này cho biết trong bối cảnh tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với các ngành sản xuất dựa vào nguyên liệu là phế liệu như ngành giấy nên Bộ đã bác đề xuất trên. Bộ này cũng yêu cầu địa phương và doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện nâng công suất nhà máy.

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã công văn đến các tỉnh, thành phố xung quanh tham vấn ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam từ 420.000 tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.