Chiều 25-6, Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp về chủ trương chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 (QL91) khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Nhiều lần sạt lở Quốc lộ 91
Thông tin tại cuộc họp, đại diện Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết qua theo dõi thì từ năm 2009 đến năm 2020 có ba lần xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại đoạn sông Hậu chảy qua khu vực xã Bình Mỹ.
Điển hình, ngày 27-7-2019 đã xuất hiện rạn nứt mặt đường QL91 với chiều dài trên 60 m, ăn sâu vào 1/3 mặt đường chạy dọc theo bờ sông Hậu. Ngày 1-8-2019, một nửa mặt đường QL91, đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ bị sạt xuống sông Hậu.
Đại diện Sở TN&MT An Giang thông tin về tình hình sạt lở tại đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ. Ảnh: AH
Trước tình hình trên, tỉnh An Giang đã tiến hành xử lý cấp bách đoạn sạt lở bằng phương pháp dùng bao tải cát lập hố xói và hàn vết vỡ.
Tuy nhiên, vào ngày 20-8-2019, khi thi công hệ thống kè bằng bao cát bảo vệ QL91, thì các bao cát đã bị trôi ra sông, đồng thời vết sạt lở lan rộng vào đường QL91 thêm 0,6-1 m với chiều dài sạt khoảng 6-10 m. Đến ngày 27-5-2020 thì tiếp tục sạt thêm một đoạn khoảng 60 m.
Theo Sở TN&MT An Giang, qua phân tích sơ bộ cho thấy sự xuất hiện dòng chảy xoắn với lưu lượng và lưu tốc lớn qua vị trí này là một trong những yếu tố gây ra hiện tượng xói lở bờ phải QL91 và gây bồi lắng bờ trái, qua đó thu hẹp mặt cắt lòng sông khu vực này.
Để xử lý, Bộ GTVT đã lập dự án đầu tư xây dựng kiên cố hóa sạt lở QL91 đoạn qua địa phận tỉnh An Giang, trong đó, kinh phí dự toán để kiên cố hóa là khoảng 500 tỉ đồng. Sau đó, Bộ GTVT đã bàn giao lại tuyến QL91 bị sạt lở ở xã Bình Mỹ cho tỉnh An Giang triển khai tiếp phần xử lý và kiên cố hóa đoạn có nguy cơ sạt lở dài hơn 2 km với tổng kinh phí trên 160 tỉ đồng. Đến nay, địa phương đã được cấp 140 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đại diện tỉnh An Giang cho rằng nếu chỉ xử lý kiên cố hóa đoạn sạt lở trên thì không đảm bảo lâu dài vì chiều rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3 km đã bị thắt hẹp còn 300 m, làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói bờ.
Phương án tối ưu nhất là chỉnh trị dòng chảy sẽ làm giảm chi phí gia cố bờ bảo vệ QL91. Tuy nhiên mức chi phí gia cố được Bộ GTVT đề xuất là 500 tỉ đồng, còn chi phí Trung ương dự toán hỗ trợ là 160 tỉ đồng.
Do ngân sách còn khó khăn nên UBND tỉnh An Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ QL91 khu vực xã Bình Mỹ. UBND tỉnh An Giang cam kết sẽ lực chọn đơn vị thực hiện có đủ năng lực đánh giá và đề xuất phương án để thực hiện dự án.
Cần có nghiên cứu bài bản
Ông Tô Văn Thanh, Phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cho biết về lâu dài thì giải pháp chính trị dòng chảy cần có đánh giá toàn tuyến xem dòng chảy từ thượng nguồn về hạ nguồn như thế nào, đồng thời cần phân tích mối liên quan giữa những điểm sạt lở để có giải pháp chỉnh trị hiệu quả.
Đoạn sạt lở dài 40 m, ăn vào 1/3 mặt đường Quốc lộ 91. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Tại cuộc họp, đại diện Bộ TN&MT cũng thống nhất với đề xuất của tỉnh An Giang về chỉnh trị đoạn sông này. Tuy nhiên, yêu cầu tỉnh An Giang cần lập dự án và có các nhà khoa học tham gia nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo toàn bộ các khía cạnh, các vấn đề, tránh trường hợp dự án đã làm xong nhưng sạt lở vẫn xảy ra.
Về xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, đại diện Bộ TN&MT cho rằng đây là vấn đề cần thiết khi ngân sách của tỉnh còn khó khăn. Tuy nhiên, cơ chế thế nào, nguồn thu ra sao thì các bộ ngành cần cho ý kiến thêm. Vì nếu tận thu khai thác cát như tỉnh đặt ra cũng cần làm rõ các vấn đề về cơ chế xã hội hóa.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài, cho biết qua báo cáo của địa phương, các nhà khoa học cho thấy tình trạng sạt lở tại khu vực xã Bình Mỹ đang diễn ra rất phức tạp.
Đối với chủ trương lập dự án chỉnh trị lòng dẫn sông Hậu, trên cơ sở các bộ, ngành đều thống nhất cao, Tổng cục sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Tuy nhiên, để triển khai việc chỉnh trị thì cần có nghiên cứu bài bản để khi chỉnh trị sẽ mang lại hiệu quả, giảm sạt lở và hạn chế tới mức thấp nhất tới thượng và hạ lưu sông" - ông Hoài nói.