Ngày 24-12, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn phối hợp, tổ chức vận động, tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn.
“UBND huyện Sóc Sơn có trách nhiệm ghi nhận ý kiến người dân, chủ động xin ý kiến các sở, ngành để xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các hộ dân tại vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, báo cáo UBND TP những nội dung vượt thẩm quyền” - văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội nêu.
Từ trưa 23-12 đến nay nhiều người dân tại hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tập trung tại cổng phía nam và cổng phía bắc của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn để ngăn cản xe chở rác.
Người dân cho hay họ lập chốt chặn xe rác vào bãi rác là để phản đối chính quyền chậm thực hiện di dời giải phóng mặt bằng, đơn giá đền bù đất và giá đất phải nộp để nhận suất tái định cư… Việc người dân chặn xe rác khiến khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày có nguy cơ ùn ứ tại khu vực nội thành Hà Nội.
Người dân lập chốt chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn.
Trước tình hình trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã phải lên phương án phân luồng rác thải. Cụ thể, khoảng gần 3.000 tấn rác của các quận, huyện: Hoài Đức, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy… được phân luồng về ô chôn lấp, xử lý tại tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây). Hơn 2.000 tấn rác thải tại các quận, huyện như Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai, Đông Anh, Sóc Sơn… được lưu chứa tại các điểm trung chuyển, tập kết tạm thời tại địa phương. Nếu trong 3-7 ngày, bãi rác Nam Sơn chưa hoạt động trở lại, số chất thải này sẽ chuyển về Xuân Sơn.
Báo cáo nhanh của UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết trước tình trạng bãi rác Nam Sơn bị chặn, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã có mặt tại hiện trường để thông tin, giải thích cho người dân về tiến độ giải phóng mặt bằng, chính sách đền bù, tái định cư cho người dân.
Đặc biệt cũng trong ngày 24-12, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản cam kết với người dân sẽ áp dụng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất ở cho người dân theo bảng giá đất mới của TP từ đầu tháng 1-2020 sau khi HĐND TP quyết nghị thông qua bảng giá đất.
Nhiều xe rác bị chặn không vào được bãi rác Nam Sơn.
UBND huyện Sóc Sơn cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Thanh tra TP sớm có kết luận giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức 400 m² cho người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của bãi rác với bán kính 500 m. Đồng thời, có chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, đất ở trùng lấn đất rừng vì các hộ dân đã được giao quản lý và sử dụng đất trước khi có quy hoạch rừng.
Bên cạnh đó, UBND huyện Sóc Sơn cũng kiến nghị TP xem xét nguyện vọng tái định cư cho các hộ dân và bồi thường các công trình đã xây dựng do khi hỗ trợ di chuyển giai đoạn 1999, người dân không có đất tái định cư, không được nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở nên phải xây dựng lại công trình để sinh sống trên đất ở cũ…
Đối với giá bồi thường diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất ở (trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người dân đã được cấp ghi là đất vườn liền kề), huyện Sóc Sơn đề nghị UBND TP cho áp dụng mức bồi thường hỗ trợ bằng 70% giá bồi thường đất ở được TP phê duyệt đối với dự án này.
Đối với việc bồi thường, hỗ trợ công trình xây dựng trên thửa đất ở, công trình được hình thành vượt quá hạn mức diện tích đất ở, huyện Sóc Sơn thì đề nghị TP cho phép bồi thường bằng 100% đơn giá theo quy định.
UBND huyện Sóc Sơn cũng đề nghị TP trả lời và cung cấp văn bản pháp lý về quy hoạch bãi rác và quy trình đổ rác lên đến cốt 39. Nếu không trả lời và cung cấp văn bản pháp lý, đề nghị tạm dừng vận hành bãi rác khi nào di chuyển dân xong thì tiếp tục vận hành...