Theo đó, UBND TP chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng TP về việc không thực hiện phương án giải quyết ngập tại khu vực chân cầu Sài Gòn do Công ty Quang Trung đề xuất. Lý do công ty này chưa xây dựng phương án cụ thể, cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp với UBND quận Bình Thạnh tập trung theo dõi, hoàn thiện các giải pháp đã triển khai nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ngập tại khu vực này. Phối hợp Sở GTVT TP triển khai các giải pháp chống ngập phù hợp trong quá trình thi công dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, từ tháng 4-2019 đến nay, trên địa bàn TP xuất hiện 44 trận mưa với vũ lượng lớn nhất là 68,5 mm. Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập hai lần; riêng đối với khu vực chân cầu Sài Gòn, xuất hiện ngập với chiều sâu 0,3 m, chiều dài 270 m, thời gian nước rút khoảng tiếng đồng hồ.
Để giải quyết ngập tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó có khu vực chân cầu Sài Gòn, hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang triển khai thực hiện dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (cải tạo nâng cấp mặt đường, vỉa hè, hào kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng và lắp đặt hệ thống thoát nước).
Trước mắt, để hạn chế tình trạng ngập tại khu vực chân cầu Sài Gòn, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cùng UBND quận Bình Thạnh tổ chức khảo sát, triển khai thực hiện phương án giảm ngập tại khu vực như: Lắp đặt hai máy bơm cưỡng bức nhằm đẩy nhanh tốc độ dòng chảy về hướng cửa xả thuộc đường Điện Biên Phủ (chân cầu Văn Thánh) để thoát nước ra rạch Văn Thánh; lắp đặt trạm bơm công suất 2.700 m3/giờ tại cửa xả đường Điện Biên Phủ…
Theo Sở Xây dựng, đối với đề xuất xây dựng phương án chống ngập của Công ty Quang Trung thì cần thời gian nghiên cứu, khảo sát và tổ chức thi công. Từ thực tiễn cho thấy việc tiếp tục nghiên cứu và thực hiện giải pháp chống ngập tại khu vực này sẽ bị trùng lắp với dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, gây lãng phí.