Ngày 18-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện về công tác bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm bụi trên địa bàn TP.
12 nguyên nhân gây ô nhiễm ở Hà Nội
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết từ đầu năm 2012 đến nay, Hà Nội đã xuất hiện sáu đợt ô nhiễm không khí kéo dài. Trung bình mỗi đợt 5-10 ngày, chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12-2019 (đặc biệt từ ngày 8 đến 14-12).
Theo ông Định, có 12 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn TP Hà Nội trong những năm qua. Trong đó có nguyên nhân do điều kiện khí hậu cực đoan (ít mưa, ít gió) dẫn đến các chất gây ô nhiễm không khí, bụi mịn không phát tán được khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng. Bên cạnh đó các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội thời gian qua còn bắt nguồn từ khí thải phương tiện giao thông, đốt than tổ ong, đốt rơm rạ, hoạt động xây dựng…
Đồng tình với báo cáo của Sở TN&MT TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), nhấn mạnh: “Từ những nguyên nhân này, chúng ta cần đề ra giải pháp căn cơ để khắc phục. Ví dụ để hạn chế nguồn thải từ phương tiện giao thông thì cần nghiên cứu để ban hành quy chuẩn khí thải cho các phương tiện như thế nào, sử dụng nguyên liệu như thế nào. Hoặc chính quyền dùng công cụ tài chính, kinh tế để điều tiết, giảm tải các phương tiện giao thông cá nhân…”.
Ông Tài cũng khẳng định Bộ TN&MT sẽ cùng với Hà Nội vào cuộc để đưa ra các giải pháp cả trước mắt, lâu dài để đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày gia tăng tại đô thị này. Đặc biệt, các giải pháp về cơ chế, chính sách, đồng thời tăng cường công tác dự báo để thông báo với nhân dân.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nộ nhấn mạnh nguyên nhân gây ô nhiễm bụi tại Hà Nội do hoạt động xây dựng gây ra. Ông cho hay hầu hết các chủ đầu tư công trình xây dựng không có ý thức bảo vệ môi trường, không làm hết trách nhiệm để hạn chế tình trạng ô nhiễm.
“Khi làm đường, bên thi công không cho hút bụi mà lại dùng máy thổi bung lên trời, gây ô nhiễm không khí” - Đại tá Tùng nói.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), cho hay thời gian qua lực lượng chức năng TP Hà Nội đã xử lý rất nhiều các công trình xây dựng và phương tiện vận tải phát thải bụi ra môi trường. Tuy nhiên, sau 22 giờ hằng ngày, từ đường vành đai 3 trở ra ngoại thành, các phương tiện chạy gây bụi mù mịt.
“Công ty cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nhiều phương tiện gây bụi mịt mù. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chúng tôi chỉ chụp ảnh, gửi báo cáo thôi, trong khi tình trạng vi phạm diễn ra thường xuyên, liên tục khiến các cơ quan chức năng không xử lý xuể. Do vậy, chúng tôi đề nghị TP tăng cường kiểm soát nguồn phát thải bụi” - ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng hiến thêm giải pháp rằng chủ tịch UBND TP Hà Nội ra chỉ thị vào thứ Bảy và Chủ nhật tuần này cả 30 quận, huyện tổ chức tổng vệ sinh, trong đó có việc tăng cường quét, hút bụi và rửa các tuyến đường.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các ô tô chở vật liệu xây dựng, chở rác không che chắn gây ô nhiễm môi trường. Ông Chung cũng cho biết ngay tới đây Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng quy định về sử dụng xe chuyên dùng, xe phải có nắp đóng kín mới được chuyên chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng.
“Sở Xây dựng nghiên cứu ngay việc sử dụng vật liệu che chắn các công trình xây dựng, đảm bảo không để phát tán bụi ra ngoài. Đồng thời sớm có quy định về việc vận chuyển phế thải xây dựng, nơi đổ phế thải xây dựng” - ông yêu cầu.
Chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định các cấp của TP từ nhiều năm nay, đặc biệt từ nhiệm kỳ này đã đặc biệt quan tâm, đôn đốc công tác bảo vệ môi trường nhưng để giải quyết cần phải có thời gian, giải pháp bền vững và nguồn lực ngân sách lớn…
Ông Chung cũng lưu ý công tác giữ gìn môi trường vệ sinh trên địa bàn TP nếu như không có sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân thì sẽ thất bại.
Kẹt xe là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Bụi mịn đang xuất hiện khắp nơi trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: CTV DUY HIỆU
TP.HCM đưa nhiều giải pháp giảm ô nhiễm
Cùng ngày, Sở TN&MT TP.HCM cũng thông tin về các giải pháp giảm ô nhiễm trên địa bàn TP.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP chủ yếu từ ba yếu tố chính: Do hoạt động giao thông, các hoạt động công nghiệp, các hoạt động xây dựng.
Đánh giá về tác động của không khí ô nhiễm, PGS-TS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, cho hay nguyên căn phổ biến của nhiều bệnh lại chính là ô nhiễm không khí mà các bệnh về hô hấp là một trong số đó. “10 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 30.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị nội trú, tức khoảng 100 trường hợp mỗi ngày. Do đó ô nhiễm không khí là sát thủ không trực tiếp thì gián tiếp gây hại đến sức khỏe” - ông Giáp nói. |
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Sở TN&MT cho hay sở đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ. Cụ thể, sở sẽ phối hợp với Sở GTVT kiểm tra, giám sát nồng độ khí thải của các phương tiện giao thông. Trong đó, đặc biệt chú ý đối với các doanh nghiệp vận chuyển, vận tải công cộng; nghiên cứu, đề xuất kiểm tra khí thải đối với xe máy.
Ngoài ra, sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GTVT cùng các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh việc đầu tư mở rộng các tuyến hướng tâm, tuyến vành đai, đường cao tốc, đường xuyên tâm và tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời đầu tư các bến, bãi đậu xe nhằm tăng cường mật độ đường, tỉ lệ đất dành cho giao thông và giãn mật độ xe lưu thông trên các tuyến đường nhằm giảm các điểm kẹt xe.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong công tác xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Sở TN&MT cũng cho hay sở sẽ phối hợp với Sở QH&KT cùng các sở, ban ngành của TP để thực hiện giãn mật độ dân số. Đồng thời tăng cường các mảng xanh, hồ nước… nhằm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị và hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào ban đêm.
Sở TN&MT thông tin thêm sở sẽ tiếp tục triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí tại 30 vị trí quan trắc đã được UBND TP phê duyệt.
Song song đó, sở sẽ đẩy nhanh công tác đầu tư 18 trạm quan trắc không khí tự động cố định và một trạm quan trắc không khí tự động di động. Trước mắt sở sẽ đưa vào vận hành hai trạm quan trắc không khí tự động, liên tục trong năm 2020 và đề xuất tăng cường, công bố số liệu quan trắc môi trường không khí trên địa bàn TP. Đến năm 2022, sở sẽ đưa vào vận hành tiếp bảy trạm quan trắc tự động, cố định và một trạm di động.
Cần tăng cường thêm nhiều mảng xanh Để giảm thiểu được tình hình ô nhiễm không khí ở các đô thị tại Việt Nam hiện nay, chúng ta cần có kế hoạch lâu dài, thậm chí 10-15 năm trước. Chúng ta cần đưa ra những kế hoạch để quy hoạch những vấn đề về xây dựng, vấn đề về giao thông. Những thời điểm kẹt xe là lúc ô nhiễm không khí cao, chúng ta không thể để nơi nào cũng xây dựng, điển hình những khu vực trung tâm giá đắt thì tình trạng xây nhà cao tầng càng nhiều, trong quá trình xây dựng sẽ kéo theo bụi bẩn, chính vì thế sẽ gây ô nhiễm…” Điển hình về trường hợp ở TP.HCM, theo ông Bá dãy xanh của TP hiện đang rất thiếu, hiện nay ở một số quận tại TP rất ít cây xanh như quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Phú… Chính vì thế chúng ta nên tăng cường dãy xanh của TP, khu rừng phòng hộ môi trường. GS-TSKH Lê Huy Bá, Khoa môi trường và biến đổi khí hậu, 3 khu chế xuất, 16 khu công nghiệp Việc ô nhiễm không khí tại TP có nguyên nhân chính là do hoạt động giao thông, hoạt động dân sinh, nguồn thải công nghiệp. Tại TP.HCM đến nay có ba khu chế xuất, 16 khu công nghiệp và hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp. Do đó, TP đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí là điều hiển nhiên. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM, chính quyền cần kiểm tra đột xuất các xe cơ giới và xe máy đang lưu thông. Ngoài ra, TP cần thực hiện thí điểm các dự án cải thiện giao thông công cộng, nên tổ chức, rà soát và đánh giá các hỗ trợ tài chính ngắn hạn để thành lập mới các đội xe buýt, các tuyến xe... PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện MT&TN (ĐHQG TP.HCM) |