Trà Vinh lý giải việc chưa xử lý hết 120.000 tấn rác tồn đọng

Nguồn tin của PLO cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Trà Vinh đã có báo cáo giải trình về việc phối hợp triển khai bốc dỡ, vận chuyển 30.000 tấn rác từ Trà Vinh đến TP Cần Thơ để xử lý.

Nhà thầu không đủ năng lực?

Theo Sở TN&MT, dự án Xử lý ô nhiễm môi trường Bãi rác TP Trà Vinh (Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng Bãi rác hợp tác xã Trà Vinh) gồm có hai hợp phần. Hợp phần 1 thực hiện đốt rác trên bề mặt, với khối lượng khoảng 120.492 tấn (tương đương 60% lượng rác cần xử lý), kinh phí là 49,5 tỉ. Hợp phần 2 thực hiện chôn lấp rác phần chân bãi, với khối lượng 80.328 tấn (tương đương 40% lượng rác cần xử lý). Tổng kinh phí của dự án để xử lý đốt và chôn rác hơn 79,3 tỉ. Thời gian thực hiện dự án là năm 2017 đến tháng 6-2021.

Ngày 29-12-2017, chủ đầu tư là Sở TN&MT Trà Vinh ký Hợp đồng với Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Công ty VinaEncorp) để thực hiện Gói thầu số 4 Dịch vụ đốt rác, với tổng kinh phí thực hiện là 49,5 tỉ. Thời gian kết thúc của hợp đồng là ngày 27-6-2020 nhưng do thực tế có phát sinh khó khăn, nên được gia hạn đến 30-6-2021 kết thúc.

Quá trình thực hiện Gói thầu bị chậm. Vấn đề này Sở TN&MT cho rằng Công ty VinaEncorp có đã quan tâm đầu tư thực sự, có triển khai thực hiện các hạng mục công trình đầu tư xây dựng nhà xưởng, xây dựng lắp đặt lò đốt, có vận hành thử nghiệm đốt rác. Tuy nhiên tiến độ thực hiện chậm bởi áp lực thực hiện cùng lúc 02 dự án; có hạn chế về vốn, sự thay đổi vị trí đặt nhà xưởng ... phải chờ cấp thẩm quyền cho phép.

Nhà máy xử lý rác thải Trà Vinh. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, giải pháp thi công chưa hợp lý, ảnh hưởng những ngày mưa bão dẫn đến việc thi công kéo dài (do sạt lở nền móng lò), tình hình dịch bệnh COVID-19...

Hiện trạng đến nay chỉ mới bốc dỡ được 15.686 tấn/120.000 tấn (đạt 13%), xử lý đốt xong 9.198 tấn/120.000 tấn (đạt 7,7%) lượng rác cần xử lý, còn rất chậm so với mục tiêu đề ra.

Sở TN&MT nhận trách nhiệm

Trong báo cáo, Sở TN&MT cũng nhận trách nhiệm của mình khi để dự án chậm trễ. Cụ thể , Sở cho rằng tại thời điểm lập dự án (2017) đơn vị chưa đánh giá được hết các nội dung và cũng không đo lường được hết mức độ khó khăn, tính chất, thành phần rác tại bãi rác cũ đã tồn tại từ năm 1992. Cụ thể do rác cũ tồn tại lâu năm nên có thành phần mùn và độ ẩm cao so với rác thải sinh hoạt mới phát sinh hàng ngày. Hiện nay chưa có quy chuẩn nào áp dụng cho loại rác này, trong khi QCVN 61-MT:2016/BTNMT áp dụng đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (rác thải phát sinh hàng ngày).

Hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định do giá xử lý đốt rác là giá cố định 384.000 đồng/tấn và giá bốc dỡ, chuyên chở chỉ có 26.900 đồng/tấn rác, nhìn chung giá xử lý này là rất thấp, trong thực tế thực hiện nhà thầu phát sinh nhiều chi phí so với dự kiến ban đầu, thu không đủ bù chi, càng làm càng lỗ, nên gây khó khăn cho việc thúc đẩy tiến độ.

Sở TN&MT giải thích rằng do đây là dự án xử lý ô nhiễm môi trường (xử lý rác cũ), ngoài khó khăn về chuyên môn, thì còn gặp khó khăn khác là trình tự và thủ tục giải ngân, nguồn vốn đa dạng nên về quy trình thực hiện, hình thức quản lý và thanh toán rất rườm rà về thủ tục, nhưng buộc phải tuân thủ, phải mất nhiều thời gian cho từng nội dung. Đây là lần đầu tiên Sở được giao nhiệm vụ thực hiện, nên chưa có kinh nghiệm dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Trước tình hình này, ngày 11-6, trên cơ sở đề xuất đề xuất của Công ty Vinaencorp, Sở TN&MT đã tổ chức buổi làm việc với sự chủ trì của ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng với Công ty Vina Encorp, Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ, Công ty IDV (TP.HCM) và các đơn vị liên quan. Qua cuộc họp UBND tỉnh đã thống nhất thống nhất về chủ trương cho Công ty IDV hỗ trợ Công ty VinaEncorp bốc dỡ, vận chuyển 30.000 tấn rác từ Bãi rác TP Trà Vinh đến Nhà máy xử lý rác thải EB để đốt.

Do đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Trà Vinh có Công văn gửi đến UBND TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và UBND tỉnh Hậu Giang để chia sẻ thông tin và hỗ trợ tuyến đường vận chuyển rác thải từ tỉnh Trà Vinh đến thành phố Cần Thơ để xử lý. Tuy nhiên sau đó UBND TP Cần Thơ có công văn phúc đáp chưa đồng ý việc tiếp nhận rác của Trà Vinh.

Hướng tiếp theo, Sở sẽ tiếp tục yêu cầu Công ty VinaEncorp huy động nguồn lực, nhân lực đẩy nhanh tiến độ đốt rác thuộc Gói thầu số 04; đồng thời việc xử lý dứt điểm lượng rác này sẽ kéo dài không thể hoàn thành  và sẽ phối hợp với Tổ công tác liên ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có giải pháp thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ không được tiếp nhận rác từ tỉnh khác

Sau khi từ chối tiếp nhận đốt rác từ Trà Vinh, UBND TP Cần Thơ cũng có văn bản chỉ đạo "cấm" Công ty EB tiếp nhận xử lý rác của tỉnh khác. 

Cụ thể, xét báo cáo của Công an TP về tình hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Công ty EB và để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương Chủ tịch UBND TP đề nghị Công ty EB thực hiện việc tiếp nhận và xử lý rác theo đúng hợp đồng đã ký, không được tiếp nhận, xử lý rác của các tỉnh khác chuyển đến.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Sở TN&MT, Công an TP căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục theo dõi, kiểm tra tình hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn quận, huyện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.