Năm 2022: Khởi công nhiều dự án làm thay đổi diện mạo TP.HCM

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cho biết: Năm 2022, ban sẽ có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các dự án giao thông trên địa bàn TP. Theo đó, đơn vị sẽ khởi công mới một số dự án trọng điểm, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng của TP.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, về vấn đề trên.

Dự án cầu Bưng, một trong các dự án vừa hoàn thành, góp phần thay đổi
diện mạo cho khu vực phía tây TP. Ảnh: THU TRINH

Thông qua đầu tư nhiều dự án lớn

. Phóng viên:Thưa ông, thời gian vừa qua, ngành giao thông TP có những điểm sáng nào đáng chú ý?

+ Ông Lương Minh Phúc: Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song Ban giao thông đã phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép, vừa thi công vừa tăng cường phòng chống dịch. Đặc biệt, trong thời gian vô cùng khó khăn, ban cũng đã khởi công được bảy dự án, gói thầu.

Ban giao thông đã khắc phục các ảnh hưởng của dịch, đẩy nhanh tiến độ thi công sau giãn cách và hoàn thành, đưa vào khai thác, phục vụ người dân TP 19 gói thầu, dự án. Điển hình là hoàn thành một nhánh cầu Bưng, tỉnh lộ 9, đường Nguyễn Hữu Cảnh…

Đặc biệt, Ban giao thông đã phối hợp với các sở, ngành tranh thủ được nguồn vốn trung ương và được HĐND TP.HCM qua chủ trương đầu tư công hai dự án lớn là nút giao thông An Phú và mở rộng quốc lộ 50. Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình). Đây là những dự án rất quan trọng được lãnh đạo và nhân dân TP cực kỳ quan tâm.

. Thưa ông, những dự án giao thông trọng điểm nào sẽ được ngành giao thông ưu tiên triển khai trong năm 2022?

+ Năm 2022 là năm chuẩn bị cho hàng loạt dự án lớn. Các tuyến đường vành đai sẽ trình chủ trương đầu tư. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng đang trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để tiến đến khởi công trong năm 2023.

Năm 2022, ngành giao thông sẽ khởi công các dự án đường nối Trần Quốc Hoàn, quốc lộ 50, nút giao thông An Phú… Bên cạnh đó, các dự án đầu tư cho Tân Sơn Nhất, Cát Lái, tuyến đường trên cao Bắc - Nam TP.HCM sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện. Năm nay, các dự án cầu Nam Lý, cầu Long Kiểng, kênh Nước Đen… vốn bị “tắc” nhiều năm nay cũng sẽ được tháo gỡ khi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) được duyệt.

Đặc biệt, năm 2022, Ban giao thông sẽ áp dụng công nghệ vào quản lý dự án, nâng tầm quản lý theo chuyển đổi số.

Tập trung vào các dự án trọng điểm

. Thưa ông, năm 2022 Ban giao thông cần làm gì để thực hiện kế hoạch triển khai các dự án trọng tâm khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế?

+ Ban giao thông nhận thấy giai đoạn 2021-2026 là thời gian vô cùng quan trọng trên con đường phát triển của giao thông TP với nhiều thách thức về cơ chế, nguồn lực, công tác GPMB. Đây cũng là giai đoạn có những thay đổi tích cực, với những tầm nhìn, động lực phát triển mới.

Do đó, Ban giao thông đã kiến nghị trong giai đoạn trung hạn được phân bổ hơn 200 tỉ đồng để lập các nghiên cứu tiền khả thi cho 42 dự án. Trong đó, có 33 dự án đầu tư công và chín dự án theo phương thức PPP. Nguồn vốn đầu tư là vấn đề khó khăn trong giai đoạn này nên cần huy động nguồn lực để thực hiện.

Năm 2022 cũng là thời điểm để tiếp tục các dự án đang thực hiện. Ngành giao thông sẽ chuẩn bị cho các dự án mang tính chiến lược, nhằm thay đổi cục diện giao thông TP trong năm năm tới.

Có giải pháp riêng cho giải phóng mặt bằng

. Có thể thấy năm 2022 là năm vô cùng quan trọng để “hái quả ngọt” trong giai đoạn 2021-2026, trách nhiệm của người đứng đầu trong giai đoạn này là gì, thưa ông?

+ GPMB là vấn đề cực kỳ quan trọng của các dự án trong năm năm tới, đặc biệt là các dự án lớn như vành đai 2, 3, 4; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và mở rộng các dự án cửa ngõ của TP.

Để thực hiện GPMB các dự án trên, sơ bộ cũng cần trên 50.000 tỉ đồng. Đây là một khối lượng cực kỳ lớn và thời gian GPMB có thể kéo dài 2-3 năm. Do đó, cần có bước đột phá trong GPMB để đưa các dự án về đúng tiến độ trong giai đoạn 2021-2025.

Sắp tới, TP.HCM sẽ có một thông báo, yêu cầu phải đưa ra các giải pháp riêng cho GPMB. Trong đó phải lập riêng một ban chỉ đạo về công tác GPMB. Lúc này, lãnh đạo trực tiếp trong ban chỉ đạo sẽ họp và giao ban hàng đầu. Đồng thời, TP sẽ giao trách nhiệm cho người đứng đầu nên công tác GPMB sẽ có sự chuyển biến.

TP sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của người đứng đầu của địa phương trong công tác GPMB. Ưu tiên nhân sự cho công tác GPMB, họ phải là những chiến tướng có nghiệp vụ để làm công tác này được nhanh chóng.

Chủ đầu tư phải có vai trò là người điều phối từ phương án bồi thường, đơn giá và phải đồng hành cùng địa phương để cùng nhau gỡ nhanh hơn các thủ tục, vướng mắc.

Ban giao thông tiếp tục duy trì, giao ban với các địa phương hai tuần/lần để đưa ra tiến độ cụ thể về GPMB, tiến độ dự án. Dự kiến sắp tới chúng tôi sẽ ký quy chế phối hợp với các địa phương về GPMB. Trong đó, yêu cầu năm 2022 phải hoàn thành dứt điểm hơn 30 dự án về việc GPMB.

Cuối cùng là cơ chế, thủ tục, hiện Sở TN&MT đang trình thủ tục rút gọn từ 400 ngày xuống còn 200 ngày, đây là tiền đề để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn giá bồi thường cần tiệm cận hơn để giảm thiểu kiện tụng, tạo sự ủng hộ của người dân. Ban giao thông quyết tâm đồng hành cùng địa phương, tập trung giải quyết khó khăn để hoàn thành mục tiêu năm 2022 và giai đoạn 2021-2026.

. Xin cám ơn ông.

 

TP Thủ Đức cần nhiều bước đột phá

Ông Lương Minh Phúc cho rằng TP Thủ Đức cần có bước đột phá về giao thông thì mới có những bước đột phá về kinh tế - xã hội.

Bên cạnh nhóm dự án chiến lược đưa vành đai 2 trở thành bộ xương sống cho TP Thủ Đức trong tương lai thì ngành giao thông cần triển khai nhiều dự án lớn cho TP Thủ Đức.

Đơn cử như giai đoạn 2022-2026 sẽ tiếp tục hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 2, quốc lộ 13, cảng Cát Lái. Song song đó là mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, mở đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, nút giao An Phú… Các dự án khi hoàn thành sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ hiện nay.

Trong năm năm tới, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, tuyến đường sắt nhẹ phục vụ người dân và hệ thống giao thông công cộng cho cũng được hoàn thành… Đó là những phác thảo cho giao thông TP Thủ Đức trong năm năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm