Chiều 15-3, Tổng cục Du lịch (thuộc Bộ VH-TT&DL) đã chính thức công bố phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, từ ngày 15-3, Việt Nam chính thức mở cửa hoạt động du lịch quốc tế (inbound và outbound). Các du khách tới Việt Nam sẽ tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan.
Vẫn phải chờ ý kiến cập nhật của Bộ Y tế
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh: Để mở lại hoạt động du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo các sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh, TP tham mưu UBND tỉnh/TP ban hành kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch, tuy nhiên điều kiện đối với khách quốc tế vẫn phải chờ ý kiến cập nhật của Bộ Y tế. Ảnh: THU TRINH
Theo đó, tổng cục chỉ đạo các địa phương triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Đồng thời ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách như giảm giá vé tham quan, tặng thêm dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch ở mỗi địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa hoạt động du lịch, trong đó có các phương án phòng chống dịch và xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: Khách nội địa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL. Theo đó, ngành du lịch không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào.
Riêng đối với khách quốc tế, ông Khánh cho biết Bộ VH-TT&DL đã nỗ lực làm việc để có giải pháp cuối cùng, tạo điều kiện tối đa cho khách quốc tế. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế” - ông Khánh thông tin.
Được biết về vấn đề trên, Bộ Y tế đã có văn bản xin ý kiến Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh. Ông Khánh tiết lộ các điều kiện sửa đổi khá tương đồng với các đề xuất của Bộ VH-TT&DL trước đó.
Theo ông Khánh, ngay trong sáng 15-3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam. Đây là một trong những chính sách thích ứng kịp thời của Chính phủ nhằm phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ ngành du lịch Việt, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Ông Khánh cũng cho biết để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách, Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và địa phương.
Trong đó, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh việc đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 của các cơ sở kinh doanh du lịch theo quy định. Đồng thời, khuyến khích du khách sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để hỗ trợ bảo đảm du lịch an toàn. Ngoài ra, ngành du lịch cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách.
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Theo Tổng cục Du lịch, thời gian tới Bộ VH-TT&DL sẽ chủ trì, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh cho du khách. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh điểm đến Việt Nam. Từ đó, ngành du lịch hoàn thành vượt mức mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỉ đồng trong năm 2022.
Tổng cục Du lịch sẽ đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam). Chiến dịch đang và sẽ được triển khai đồng bộ trên các chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam cho khách quốc tế như: web vietnam.travel, mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Instagram, YouTube và Pinterest; các kênh truyền thông quốc tế cũng như thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tổng cục cho biết sau hơn ba tháng triển khai, chiến dịch đã gây ấn tượng mạnh, chạm được đến trái tim của người xem, khiến du khách được truyền cảm hứng và mong chờ được “Sống trọn vẹn” ở Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch truyền thông cho “Live fully in Vietnam”.
Ngoài ra, để đáp ứng nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn mở cửa lại, trước mắt Bộ VH-TT&DL sẽ đề xuất Chính phủ và đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm quay lại ngành. Ngoài ra, bộ cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch chủ động rà soát, tuyển dụng và bồi dưỡng nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Về dài hạn, Bộ VH-TT&DL tiếp tục có chính sách phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về quy mô, cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ. Mục tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch.•
Trong ngày 15-3, chuyến bay SQ192 của hãng hàng không Singapore Airlines từ Singapore đến Hà Nội hạ cánh an toàn. Chuyến bay đã đánh dấu một mốc mới trong việc Việt Nam chào đón khách du lịch quốc tế sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đoàn 600 khách tham quan đại nội Huế Chiều 15-3, tại đại nội Huế, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế… đã tổ chức đón đoàn khách với số lượng gần 600 người đến tham quan hoàng cung Huế. Đoàn khách được bố trí thăm đại nội theo từng nhóm ở các khung giờ lệch nhau trong buổi (không vào cùng lúc) để đảm bảo phòng dịch. Các thành viên trong đoàn đã được phía công ty du lịch kiểm tra sức khỏe và test âm tính trước khi đến Huế. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết để chuẩn bị đón khách khi các hoạt động du lịch mở cửa trở lại, ngoài việc kiểm kê lại hệ thống khách sạn, khu lưu trú, sở yêu cầu các đơn vị tăng cường chỉnh trang, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách. |