Việt Nam mở cửa du lịch chậm do quá cẩn trọng

“Việt Nam mở cửa du lịch càng thông thoáng điều kiện càng tốt, nếu quá chặt du khách sẽ không tới”- đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Hàng không Việt mở lại đường bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới”, do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không và Bamboo Airways tổ chức chiều 24-2, tại FLC Quy Nhơn (Bình Định).

Theo TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không, việc Chính phủ quyết định mở lại đường bay quốc tế, chuẩn bị mở cửa du lịch từ 15-3 là tạo điều kiện để ngành hàng không tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn. Hàng không Việt không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng trong khu vực và thế giới có đường bay đi và đến Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nề cho rằng việc mở lại đường bay quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn đối với hàng không và du lịch. Đặc biệt là khó khăn do thị trường cần có giải pháp khôi phục và kích cầu trở lại; do kiểm soát và đảm bảo an toàn cho hành khách, người dân trong tình hình diễn biến dịch. Tuy nhiên, những thách thức này đòi hỏi ngành hàng không phải kết hợp với Chính phủ và địa phương vượt qua.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.LONG

Dẫn chứng kinh nghiệm giai đoạn thí điểm mở lại hàng không và du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định sắp tới các lĩnh vực trên sẽ hoạt động theo điều kiện bình thường mới, giống như trước khi có dịch COVID-19. Số lượng hành khách quốc tế và nội địa tăng lên nhưng vẫn bảo đảm an toàn, hiệu quả.

“Kế hoạch năm 2022, Việt Nam sẽ đón 5-6 triệu khách du lịch quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Với độ phủ vaccine rộng, kinh nghiệm phòng, chống dịch, chúng ta hoàn toàn tự tin khi kết nối trở lại với các thị trường quốc tế…”- ông Siêu cho hay.

Nhận định năm 2022 việc khôi phục lại hàng không và du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu, ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, cho biết Cục Hàng không dự báo năm nay thị trường qua cảng hàng không Việt Nam khoảng 42-43 triệu lượt khách. Con số này mới chỉ được hơn 50% so với thời điểm trước dịch nhưng vẫn khá ấn tượng khi so với hai năm dịch vừa qua.

“Hiện nay, các đường bay quốc tế mới chỉ tập trung đến Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, Cục Hàng không đã nhận được rất nhiều đề nghị mở lại đường bay từ các nước châu Âu, Nga đến các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung….”- ông Đăng cho hay.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, nhận định Việt Nam mở cửa chậm so với các quốc gia do quá cẩn trọng. Do vậy, năm địa phương tham gia thí điểm chỉ đón được 9.000 khách du lịch trong 3 tháng, bằng một số phòng một cơ sở du lịch tầm trung.

“Vì sao chúng ta lại đón được lượng khác ít ỏi như vậy” – ông Nam đặt câu hỏi và khẳng định đó là do các điều kiện nhập cảnh của Việt Nam quá khắt khe. “Tôi trò chuyện với một du khách Nga đang du lịch theo chương trình thí điểm ở Phú Quốc thì họ kêu trời bởi những ngày đầu chỉ ăn và ở tại khách sạn...”- ông Nam dẫn chứng

Theo đó, ông Nam đề nghị cần phải sớm mở cửa du lịch, với các điều kiện càng thoáng càng tốt. Trước đây, cứ hai tuần Việt Nam thu được 1 tỉ USD từ khách quốc tế nên cần tranh thủ nguồn này.

Cạnh đó, Việt Nam cần tạo điều kiện phục hồi chính sách miễn visa cho các quốc gia như thời điểm trước dịch, đồng thời rà soát có chính sách miễn visa cho nhiều quốc gia khác.

“Hiện nay chúng ta mới miễn visa cho 13 quốc gia là quá ít, cần phải mở rộng thêm… Những người nước ngoài đến Việt Nam đi du lịch, hay người việt Nam đi du lịch, thật ra chẳng ai muốn visa cả. Bây giờ chúng ta muốn nhiều khách quốc tế đến hơn thì tạo thuận lợi hơn về visa cho họ. ”- ông Nam nói.

Nhân dịp này, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn TD&T Co.,LTD (Hàn Quốc) với nhiều nội dung quan trọng trong việc cung cấp trọn gói sản phẩm du lịch, golf và hàng không của hệ sinh thái FLC cho thị trường Hàn Quốc, mở ra nhiều cơ hội để thu hút khách du lịch từ Hàn Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm