Nhiều tỉnh, thành mở lại vận tải hành khách liên tỉnh

Trong văn bản vừa báo cáo Bộ GTVT về việc triển khai thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh, Tổng cục Đường bộ cho biết có 21 tỉnh báo cáo về việc mở lại tuyến vận tải hành khách cố định.

Trong đó 14 Sở GTVT đang chở ý kiến của UBND tỉnh, bảy Sở GTVT được UBND tỉnh chấp thuận phương án vận chuyển hành khách.

Bảy địa phương này gồm: Điện Biên, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình.

Theo đó, trong hôm nay (13-10) các tuyến của sáu tỉnh gồm Đồng Nai, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình sẽ hoạt động.

Cụ thể, tuyến Điện Biên – Sơn La (3 chuyến/ngày), Lào Cai (2 chuyến/ngày); tuyến Đồng Nai – TP.HCM (10 chuyến/hai đầu), Đồng Nai – Vĩnh Long (2 chuyến/hai đầu); tuyến Bắc Giang – Thái Nguyên và Ninh Bình – Hải Phòng (1 chuyến/ngày).

Các tuyến Quảng Bình (Đồng Hới) - Quảng Trị (bến xe Lao Bảo); Quảng Bình (bến xe Ba Đồn) - Quảng Trị (bến xe Lao Bảo) đều có 2 xe/2 chuyến/ngày.

Hành khách xét nghiệm trước khi lên xe. Ảnh: PHI HÙNG

Riêng TP.HCM, Sở GTVT đồng ý mở hết các tuyến, hành khách đến TP.HCM phải xét nghiệm, từ TP.HCM đi phải tiêm hai mũi vaccine. Hiện nay Sở GTVT chỉ chờ ý kiến các địa phương nơi đến có văn bản thống nhất để cùng khai thác.

Theo quy định của Bộ GTVT, hành khách đi từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19; có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong 72 giờ và tuân thủ các quy định phòng dịch.

Trường hợp người không đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định thì phải có xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm nhanh âm tính.

Hành khách đi từ nơi có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương có nguy cơ cao hơn, phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong 72 giờ trước khi lên ô tô; thực hiện biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế; không lên xe khi ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, rát họng.

Sau khi xuống xe, hành khách hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú.

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm