“Mã Pì Lèng là vị trí ghi nhớ chiến công anh dũng của những thanh niên, những người lên Tây Bắc những năm 1960 để mở đường. Đặc trưng cho cả một vùng miền, nếu mà bỏ mặc là sẽ mất”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về công trình Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), KTS Trần Huy Ánh cho biết như trên.
Không thể lấy sai để sửa sai
Tiếp ý kiến trên, KTS Trần Huy Ánh thẳng thắn: “Phải hoàn nguyên đỉnh Mã Pì Lèng! Không nên lấy sai lầm khác để chữa một sai lầm đã có. Phải can đảm để nhìn ra căn nguyên của sai lầm đó một cách sâu sắc”.
Ở góc độ chuyên môn, KTS Trần Huy Ánh nhận định Panorama là một công trình phá vỡ kiến trúc và thể hiện quản lý nhà nước yếu kém.
Nói rộng ra, KTS Ánh bình luận: Những thỏa hiệp của chính quyền với doanh nghiệp không chỉ ở Hà Giang mà ở nhiều nơi khác đã chồng chất lên những tai họa nản lòng, làm cho thế hệ trẻ không còn gì của ông cha để lại nữa cả. “Chúng ta tiêu phí một cách lãng xẹt, đó là một thế hệ đáng trách, cần phải nghiêm khắc nhìn lại một cái lỗi lầm chứ không thể thỏa hiệp được nữa” - KTS Ánh bày tỏ.
Đồng quan điểm, anh Đỗ Quang Tuấn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gori Việt Nam, một đơn vị kinh doanh du lịch ở Hà Giang, cho hay anh đã biết đến công trình này từ khi mới được đổ móng xây dựng.
Toàn cảnh công trình Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng “án ngữ” trước mặt con sông Nho Quế. Ảnh: VT
Một góc công trình Panorama che khuất tầm nhìn từ Mã Pì Lèng xuống sông Nho Quế. Ảnh: VT
Nói về cảm xúc của mình lúc đó, anh bày tỏ: Rất buồn và bức xúc. “Nhiều người nói đây là nơi để dừng nghỉ và ngắm cảnh cho du khách. Nhưng có rất nhiều cách để làm, ở đây cũng có những sạp bán hàng rất đơn sơ và có nhà vệ sinh kín đáo, còn địa điểm này thì việc dừng xe lại cũng rất nguy hiểm” - anh Tuấn Hoàng nói.
Về ý kiến của mình đối với công trình trên, anh cho rằng: Khắc phục thì không có cách nào khắc phục. Tốt nhất là phải tháo dỡ.
Khi được hỏi khách quốc tế đánh giá thế nào về công trình này, anh Hoàng kể: Trong một lần anh dẫn ông Yasushi Ogura (một du khách người Nhật Bản) tham quan Mã Pì Lèng. Khi chứng kiến công trình đó mọc trên Mã Pì Lèng, ông Ogura đã thảng thốt: “Không thể hiểu tại sao giữa cảnh đẹp như thế này mà có công trình như thế”.
TS Đỗ Văn Trụ, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhận định: “Việc xây dựng công trình tổ hợp nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại Mã Pì Lèng rất phản cảm. Về lý thuyết, khu vực xây dựng nằm ngoài khu vực I và II nhưng đây là di sản quý do tạo hóa ban tặng được hình thành trong hàng vạn năm và là danh thắng quốc gia, có giá trị lớn về cảnh quan, môi trường, không gian. Việc xây dựng gây phá vỡ cảnh quan thì không có gì có thể bù đắp được”.
Trả lời báo chí, bà Vũ Thị Ánh, chủ đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, cho biết mảnh đất xây nhà hàng này được Sở TN&MT tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2016, là đất trồng cây lâu năm. 10 năm trước bà mua của người dân địa phương với giá 70 triệu đồng. Khi đó nơi đây còn là đất hoang, chỉ có sỏi đá, không thể trồng được bắp, lúa. Chủ đầu tư công trình Panorama cho rằng mình không sai trong trường hợp này vì không tự ý xây dựng mà đã được các cấp chính quyền ở Hà Giang đồng ý. Trong quá trình xây dựng, nhiều cơ quan chức năng đã đến kiểm tra độ an toàn. |
Đoàn kiểm tra sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, thông tin: Dự kiến sáng nay (8-10), các đơn vị tham gia đoàn kiểm tra công trình này gồm Sở KH&ĐT, TN&MT, VH-TT&DL sẽ làm việc, đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường.
Để có thông tin nhiều chiều tới bạn đọc, ngày 7-10, chúng tôi đã liên lạc với ông Hoàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, ông Chinh cho biết đang bận họp và không trả lời báo chí. Đồng thời, chúng tôi cũng liên lạc, nhắn tin nhiều lần đến lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang nhưng đều không nhận được phản hồi.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng: Mã Pì Lèng là đoạn giữa nối thị trấn du lịch Đồng Văn và thị trấn du lịch Mèo Vạc. Hai thị trấn này chỉ cách nhau 20 km, trong đó thực sự trên đèo cao trên 10 km, còn lại là chân đèo. Hai thị trấn này, đặc biệt là Mèo Vạc, đang phát triển rất nhanh do có lượng lớn khách du lịch mà Mã Pì Lèng chính là nam châm hút người ta đến. Người đi Mã Pì Lèng không phải lo lỡ độ đường. Không phải theo năm mà theo từng tháng, hai thị trấn này lại biến đổi do xuất hiện các cơ sở ăn nghỉ cho khách du lịch. Với tốc độ phát triển hiện nay, Đồng Văn và Mèo Vạc đang rất mau chóng trở thành hai trung tâm du lịch và dịch vụ khác. Sẽ có việc làm cho cả vạn người, từ đơn giản đến phức tạp, trong mọi loại hình: Xây dựng, phục vụ nơi nghỉ, ẩm thực, văn hóa, sự kiện, hướng dẫn du lịch, bán hàng, sản xuất, buôn bán sản vật địa phương... |