Quy hoạch Đà Nẵng: Cần những lựa chọn táo bạo

Tại Hội thảo phản biện điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Maysho Prashad, Phó Chủ tịch Callison RTKL châu Á, thành viên Viện Quy hoạch Hoa Kỳ, cho rằng Đà Nẵng không nhất thiết phải trở thành một TP cảng quá lớn, đồng thời cần nghiên cứu nghiêm túc khả năng di dời sân bay Đà Nẵng. “Giờ là thời điểm để TP đưa ra những lựa chọn khoáng đạt, táo bạo” - ông Maysho nói.

Vẫn tranh cãi về sân bay, cảng biển

Báo cáo nghiên cứu đề xuất tại hội thảo, đại diện tư vấn Surbana Jurong (Singapore, đơn vị làm quy hoạch cho Đà Nẵng) giữ nguyên quan điểm tập trung đầu tư, nâng cấp cảng Tiên Sa và không làm cảng Liên Chiểu. Cạnh đó, tư vấn Singapore cho rằng cần dự trữ đất xung quanh sân bay Đà Nẵng để có thể nâng công suất, làm thêm đường băng trong tương lai. Những đề xuất này tiếp tục tạo ra nhiều tranh luận tại hội thảo được cho là cuối cùng trong lần làm quy hoạch này của Đà Nẵng.

Theo ông Maysho Prashad, Đà Nẵng nên tập trung vào cảng Tiên Sa vì đã có sẵn kết nối kinh tế biển tại đây. TP không nhất thiết phải trở thành đô thị cảng. Dẫn chứng tại cảng Sydney (Úc), du khách có thể ngồi uống cà phê ngay cầu cảng mà vẫn có thể nhìn ngắm vùng biển với tàu thuyền tấp nập.

“Tôi đề xuất tiếp tục khám phá các khả năng có thể mở rộng cảng Tiên Sa. Không nhất thiết phải đẩy cảng ra xa đô thị. Nếu xem xét kỹ và thiết kế phù hợp thì chính cảng sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn cho TP. Cảng Liên Chiểu sẽ gây ô nhiễm vịnh Đà Nẵng” - ông Maysho nói.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, nhìn nhận mặt tích cực trong bản tư vấn của Surbana Jurong là có ý thức giảm quy mô cảng biển để phù hợp với tài chính và quy mô kinh tế. Tuy nhiên, tư vấn Singapore chưa đưa ra những số liệu kinh tế để thuyết phục, ví như nhu cầu cảng biển của Đà Nẵng như thế nào trong vòng mấy chục năm tới. Ông Sơn cũng đề nghị phía tư vấn xem lại quy hoạch đường sắt đến cảng Tiên Sa vì sẽ chia cắt TP, tạo ra tiếng ồn. Đồng thời, khu logistics cũng không nhất thiết phải ở trong cảng mà có thể ở vị trí khác và kết nối bằng đường cao tốc.

Về sân bay Đà Nẵng, ông Sơn thống nhất với đề xuất mở rộng tại chỗ của tư vấn Singapore. “Công nghệ hiện nay tiến rất nhanh, máy bay càng về sau thì tiếng ồn càng giảm. Trong quy hoạch cũng nên tính đến những giải pháp giảm tiếng ồn cho đô thị bằng cách tổ chức quy hoạch cao tầng theo hình lòng chảo, không tập trung âm, trồng cây trên mái… thì có thể sống chung với sân bay mà không ảnh hưởng gì nhiều” - ông Sơn nói.

Đà Nẵng nên tập trung vào cảng Tiên Sa vì đã có sẵn kết nối kinh tế biển tại đây. Ảnh: TẤN VIỆT

Liên kết vùng và tầm nhìn trăm năm

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, làm quy hoạch cho Đà Nẵng cần tầm nhìn 100 năm. Những cái chưa làm thì TP nên để đất dự trữ. “Quy hoạch mà chỉ gói gọn trong Đà Nẵng thì không phải cách làm quy hoạch đúng, quốc tế không ai làm vậy hết. Lõi của đô thị có thể là một hoặc là đô thị đôi. Tôi mạnh dạn đề xuất lãnh đạo Đà Nẵng và Huế ngồi lại để hình thành một đô thị đôi. Nên bỏ qua tư duy địa giới hành chính, quy hoạch cụm cảng Chân Mây - Tiên Sa thì không cần cảng Liên Chiểu. Nếu Đà Nẵng cần quỹ đất thì khu đô thị Chân Mây đang mở cửa chờ, Huế thiếu tiền thì Đà Nẵng có nhà đầu tư” - ông Sơn nói.

Sân bay Đà Nẵng hiện tại không thể lớn hơn, mà cần tạo ra hệ thống kết nối giao thông đường sắt hiệu quả cao giữa ba sân bay (Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài) nhằm phát huy được thế mạnh kinh tế toàn khu vực.

Ông OLIVIER SOQUET, Công ty tư vấn DESO (Pháp) 

Cho rằng Đà Nẵng là “anh cả”, “lãnh đạo” của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ông Sơn đề nghị TP phải chia sẻ, hợp tác để cả vùng cùng phát triển. “Cái gì cũng ôm hết thì không ai chơi với mình. Khi gặp vấn đề khó khăn, Đà Nẵng phải nghĩ ngay đến chuyện liên kết vùng” - ông Sơn nói.

Đồng quan điểm trên, ông Vương Anh Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng, dẫn chứng rằng thời kỳ trước tỉnh nào cũng xin làm cảng. Dù biết Đà Nẵng là trung tâm kinh tế của cả vùng nhưng thực tế là các tỉnh muốn cạnh tranh với Đà Nẵng. “Giờ phải tính chuyện phối hợp. Ví dụ sân bay, khách đã đến Đà Nẵng rồi thì xuống Chu Lai có đường cao tốc ngon lành. Đây là vấn đề phối hợp làm sao cùng phát triển, cần sự chỉ đạo của Chính phủ để phối hợp phát triển kinh tế. Cảng biển cũng như vậy, tư vấn phải phân tích được mối liên kết vùng rồi mới chọn được quy mô cảng như thế nào” - ông Dũng nói.

“Việc nghiên cứu khoa học, cụ thể, biệt lập về cảng biển cho Đà Nẵng không nằm trong hợp đồng. Chúng tôi cần một hợp đồng khác riêng biệt về cảng và đang làm quy hoạch tổng thể. Cảng biển hay sân bay nên là một đề án riêng. Tuy vậy, trước đề xuất của mình, chúng tôi đều gửi những bản báo cáo 100-300 trang cho lãnh đạo TP nêu ra những luận cứ, phân tích rõ ràng. Tuy nhiên, có thể những đề xuất này chưa được phổ biến trước hội thảo nên các chuyên gia chưa tiếp cận được” - đại diện tư vấn Surbana Jurong nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm