Thời gian gần đây, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được phản ánh của người dân về tình trạng hàng loạt công trình xây dựng quy mô dạng tòa nhà văn phòng, khách sạn, chung cư mini cho thuê… trên địa bàn quận Tân Bình vi phạm trật tự xây dựng nhưng cơ quan chức năng có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che.
Trước đó, hồi tháng 4, những công trình này dù đã được Thanh tra quận Tân Bình kết luận vi phạm trật tự xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.
Hàng loạt công trình vi phạm
Cuối tháng 10-2020, chúng tôi đi khảo sát hàng loạt công trình sai phép theo kết luận của Thanh tra quận Tân Bình cũng như theo phản ánh của người dân. Hầu hết các công trình này đều có quy mô khá lớn.
Điển hình, tại địa chỉ 38/6 Lam Sơn (phường 2) là công trình khách sạn Galaxy Hotel. Theo giấy phép được cấp vào tháng 4-2018 thì tòa nhà này được phép xây dựng một tầng hầm và năm tầng nổi (ba tầng, lửng, sân thượng).
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy công trình này đã phát sinh thêm một tầng so với giấy phép, đồng thời chủ đầu tư còn xây tăng diện tích tầng lửng (lấp lửng), tăng diện tích mái che cầu thang trên tầng sân thượng (thành một tầng suốt).
Mặc dù công trình khởi công từ khoảng cuối năm 2018 và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 6-2019 và có sai phạm như trên nhưng trong cả bốn lần kiểm tra (tháng 10-2018, tháng 12-2018, tháng 2-2019 và tháng 4-2019), đội thanh tra địa bàn quận Tân Bình thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM (viết tắt là đội thanh tra địa bàn) đều xác nhận công trình xây dựng đúng phép (bốn lần kiểm tra này không có đại diện UBND phường 2). Chỉ khi bị Thanh tra quận Tân Bình phát hiện, tòa nhà này mới bị cơ quan chức năng ra Quyết định cưỡng chế số 324 (ngày 17-6-2020).
Còn tại địa chỉ 38D Lam Sơn (phường 2) là tòa nhà M.G Building được cấp phép xây dựng vào tháng 9-2018 với một tầng hầm, bảy tầng nổi (năm tầng + lửng + sân thượng).
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, trên sân thượng tòa nhà này tiến hành đổ bê tông, xây vách tường, kèm theo đó là vị trí ban công của tòa nhà được lắp kính thẳng từ trên xuống dưới để làm phòng trên ban công. Tòa nhà này cũng đã bị cơ quan chức năng ra Quyết định cưỡng chế số 315 (ngày 11-6-2020) nhưng đến nay công tác cưỡng chế vẫn chưa được thực hiện.
Tại tòa nhà văn phòng Sài Nam, địa chỉ 40A Lam Sơn, phường 2, cũng để xảy ra sai phạm là tăng diện tích tầng sân thượng, tăng diện tích tầng kỹ thuật thang máy, xây dựng phòng trên ban công.
Tuy vậy, trong các biên bản kiểm tra trước đây (hai lần) và mới đây nhất (tháng 1-2020), đội thanh tra địa bàn đều xác nhận công trình xây dựng đúng phép. Đến tháng 9 năm nay, công trình này cũng bị cơ quan chức năng ra Quyết định cưỡng chế số 701 (ngày 9-9-2020).
Không chỉ ở phường 2, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn xuất hiện ở phường 12.
Điển hình, công trình 327 Nguyễn Thái Bình, phường 12, ngày 9-10-2020, cơ quan chức năng đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với chủ đầu tư về hành vi xây dựng nhà ở sai giấy phép xây dựng.
Tòa nhà văn phòng M.G Building tại 38D Lam Sơn, phường 2, quận Tân Bình là một trong rất nhiều công trình để xảy ra sai phạm đã bị ra quyết định cưỡng chế ngày 11-6-2020. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Buông lỏng quản lý
Trước đó, ngày 25-7-2019, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn TP. Các địa phương phải xử lý nghiêm các công trình sai phạm xây dựng theo tinh thần của chỉ thị này.
Theo đó, hồi tháng 4-2020, Thanh tra quận Tân Bình đã có đợt kiểm tra ngẫu nhiên tại phường 2. Cụ thể, trong gần một tháng vào cuộc kiểm tra hiện trạng ngẫu nhiên 62/276 công trình, thanh tra quận này phát hiện 16 công trình xây dựng không đúng nội dung được cấp phép xây dựng.
Điều đáng nói là trong tất cả 16 công trình phát hiện sai phạm (trong đó có những công trình mà chúng tôi đã nêu ở trên) theo hồ sơ mà UBND phường 2 báo cáo và đội thanh tra địa bàn cung cấp đều xác nhận là xây dựng đúng phép. Thậm chí đã có những công trình được cập nhật hoàn công trên giấy chứng nhận.
Kết luận thanh tra nêu: Qua kiểm tra, xác minh nhận thấy việc kiểm tra, phát hiện vi phạm về xây dựng của đội thanh tra địa bàn và UBND phường 2 là chưa hiệu quả. Việc xử lý các hành vi tại các công trình chưa phản ánh được tính chất, mức độ vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình thi công.
Để xảy ra các sai phạm về trật tự xây dựng tại phường 2, thanh tra quận kiến nghị Ban thường vụ Quận ủy, Đảng ủy phường 2 xem xét, xử lý đảng viên vi phạm theo thẩm quyền.
“Kiến nghị giám đốc Sở Xây dựng xem xét, kỷ luật đối với công chức thuộc đội thanh tra địa bàn do để xảy ra các sai phạm và dấu hiệu dung túng, tiếp tay cho chủ đầu tư để cho công trình tiếp tục xây dựng” - kết luận thanh tra nêu rõ.
Để làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại địa bàn quận Tân Bình, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Bảo Long, Đội trưởng Đội thanh tra địa bàn quận Tân Bình. Tuy nhiên, dù nhiều lần liên hệ bằng điện thoại, đến trực tiếp trụ sở Đội thanh tra địa bàn quận Tân Bình nhưng ông Long từ chối gặp trực tiếp. Đồng thời, ông Long cũng cho biết PV cần liên hệ Sở Xây dựng và UBND quận để biết thông tin.
Chúng tôi đã liên hệ UBND quận Tân Bình thì được thông tin: Thường trực UBND quận đã có văn bản gửi đội thanh tra địa bàn, chủ tịch UBND các phường 2, 12, 13, 15 yêu cầu các đơn vị này báo cáo cụ thể các công trình sai phạm, quá trình xử lý, biện pháp khắc phục.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ trả lời sau khi có đầy đủ hồ sơ, tài liệu về các vụ việc theo phản ánh của báo, đồng thời việc trả lời trực tiếp cần thông qua văn phòng sở. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ngay khi có phản hồi của Sở Xây dựng TP.HCM.
Phân định trách nhiệm xử lý vi phạm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Phước Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường 2, cho biết vừa qua UBND phường và đội thanh tra địa bàn đã cùng ngồi lại để phân định rõ những công trình nào thuộc trách nhiệm xử lý của phường, những công trình nào thuộc trách nhiệm xử lý của đội.
“Đối với những công trình để xảy ra sai phạm thuộc trách nhiệm của phường, UBND phường sẽ lập hồ sơ đề xuất để UBND quận ra quyết định xử phạt hoặc quyết định cưỡng chế. Những trường hợp công trình bị ra quyết định cưỡng chế UBND phường sẽ cho thời gian để chủ đầu tư tự nguyện tháo dỡ, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định” - ông Khánh thông tin.