Thủy điện Trung Quốc giảm xả nước có ảnh hưởng đến ĐBSCL?

Thông tin của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5 đến 24-1 để bảo trì lưới điện. Do đó, lưu lượng xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm gần 50%, xuống còn khoảng 1.000 m3/giây.

Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, việc giảm lưu lượng xả sẽ làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2. Thời gian ảnh hưởng lớn nhất từ ngày 8 đến 16-2 với ranh mặn 4 g/lít vào sâu ở các cửa sông Cửu Long từ 50 đến 70 km, các sông Vàm Cỏ từ 85 đến 95 km.

Năm 2020, nhiều nơi ở miền Tây thiếu nước dù chưa tới cao điểm mùa khô. Ảnh: HX

Kịch bản đã lường trước

Trao đổi với PV, ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết từ ngày 25-1, ĐBSCL sẽ bắt đầu chịu tác động của xâm nhập mặn do ảnh hưởng của việc thủy điện Cảnh Hồng giảm xả nước.

Ông Anh đánh giá việc giảm xả nước thủy điện Cảnh Hồng ảnh hưởng không đáng kể. Tuy nhiên, do trùng với kỳ triều cường đầu tháng 2 tạo thành ảnh hưởng kép, mức độ xâm nhập mặn sẽ tương đương đợt mặn lịch sử năm 2015-2016 nhưng không khốc liệt bằng năm 2020 và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Bản tin dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng cho thấy dự báo nguồn nước từ thủy điện Trung Quốc xuống hạ lưu mùa kiệt năm 2021 vào trên dưới 1.000 m3/giây đã được dự báo từ rất sớm. Vì vậy, việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 5 đến 24-1 xuống còn khoảng 1.000 m3/giây được xem là kịch bản đã lường trước.

Về kế hoạch ứng phó với hạn mặn, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi cho biết đã đề nghị các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL triển khai các giải pháp phòng, chống hạn mặn từ đầu
tháng 1. Trong đó, yêu cầu người dân chủ động tích trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng…

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nửa cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (tại trạm Kratie - Campuchia) về ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 5%-15%; từ tháng 3 đến tháng 5, khả năng ở mức tương đương TBNN.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức cao hơn TBNN từ 0,1 đến 0,3 m. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL gia tăng và xâm nhập sâu tại các cửa sông chính từ nửa cuối tháng 1. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ ngày 10 đến 15-2 và từ ngày 26-2 đến 2-3); tháng 3 (từ ngày 12 đến 16-3 và từ ngày 25 đến 29-3). Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn tập trung vào tháng 3 và 4, sau giảm dần. Phạm vi xâm nhập mặn 4 g/lít tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75 km, trên các sông Vàm Cỏ từ 80 đến 95 km, sông Cái Lớn từ 45 đến 52 km.

Theo dõi diễn biến dòng chảy sông Mekong

Nhận định về việc lưu lượng nước tại đoạn sông bên dưới đập Cảnh Hồng đã sụt giảm do Trung Quốc đóng đập để duy trì lưới điện có làm cho hạn mặn ở ĐBSCL gay gắt hơn không, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập ĐBSCL, khẳng định rất khó xảy ra tình trạng này.

Theo ông Thiện, mực nước mùa lũ năm 2020 dù cao hơn năm 2019 khoảng 2 m nhưng vẫn thấp hơn TBNN. Vì vậy, các nhà vận hành các đập khác, kể cả các sông nhánh, trong lưu vực Mekong có thể lo thiếu nước để phát điện trong mùa khô nên đã tích cực trữ nước từ đầu mùa khô làm cho mực nước sông Mekong thấp bất thường. Tuy nhiên, khi đến đỉnh mùa khô họ sẽ xả ra để phát điện.

 

Để dự báo hạn mặn phải chia ĐBSCL thành hai vùng

Để dự báo tình hình hạn mặn vùng ĐBSCL, ông Thiện cho biết cần chia làm hai vùng để xét riêng, vì hai vùng này khác nhau và phải tính đến tình trạng thời tiết La Nina hiện tại.

Đó là vùng bán đảo Cà Mau gồm một phần phía tây nam tỉnh Sóc Trăng, một phần phía tây nam tỉnh Hậu Giang, một phần phía nam tỉnh Kiên Giang và toàn bộ tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Thứ hai là vùng ven biển cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh và một phần tỉnh Sóc Trăng gần cửa sông Trần Đề.

Đối với vùng bán đảo Cà Mau, mùa khô năm nay sẽ ít có khả năng bị hạn vì bản chất vùng này có đất bên dưới là đất mặn và có sáu tháng nước ngọt nhờ lớp nước mưa phủ lên trên bề mặt. Năm nào mưa nhiều thì nước ngọt vẫn còn kéo dài sang mùa khô năm sau và năm nào mưa ít thì lớp nước ngọt trên mặt kết thúc sớm.

Còn ở vùng ven biển cửa sông Cửu Long, tình hình chung hạn mặn năm nay ít gay gắt hơn mùa khô năm 2020 vì đỉnh lũ năm 2020 dù thấp hơn TBNN nhưng vẫn cao hơn đỉnh lũ năm 2019 khoảng 2 m. Tuy nhiên, do sự vận hành tích, xả của các đập thủy điện, mực nước sông Mekong sẽ biến đổi bất thường, kéo theo là ranh giới xâm nhập mặn ở vùng này biến đổi bất thường, nhất là ở các nhánh phía bắc của sông Tiền (gồm Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông). Trong đó, tỉnh Bến Tre và kể cả TP Bến Tre bị đe dọa nhiều nhất, cụ thể mặn có thể xuất hiện sớm trong một thời gian, sau đó mặn lại lùi ra khi các đập thủy điện Mekong xả nước để phát điện trong mùa khô và có thể mặn trở lại nếu thủy điện tiếp tục đóng đập.

Kết quả tại tất cả trạm trên sông Mekong từ Chiang Saen tại biên giới Lào - Trung Quốc đến Kratie ở Campuchia mực nước đỉnh điểm của mùa nước năm 2020 đều thấp hơn TBNN khoảng 2-4 m. Tùy từng trạm nhưng vẫn cao hơn đỉnh điểm của năm 2019 khoảng 2 m ở tất cả trạm. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào mực nước mùa lũ, có thể thấy mùa khô năm 2021 sẽ không gay gắt như mùa khô đầu năm 2020.

Ngoài ra cũng cần phải hiểu rõ vấn đề là bên cạnh các đập ở Trung Quốc và dòng chính, ở các sông nhánh phía tả ngạn sông Mekong cũng có hàng chục đập chi lưu. Tính về lượng nước trung bình hằng năm thì phần tả ngạn đóng góp một phần rất quan trọng, cung cấp đến 35% tổng dòng chảy cả năm của sông Mekong, trung bình 475 tỉ m3/năm.

Thông tin của dự án quan trắc đập thủy điện Mekong của Trung tâm Simpton Hoa Kỳ cập nhật đến tuần 4 đến ngày 10-1 cho thấy một số đập dòng nhánh đang tích nước, một số khác đang xả nước. Tuy nhiên, số điểm quan sát của dự án quan trắc này đối với dòng nhánh còn ít nên chúng ta không đủ thông tin.

Ông Thiện cho rằng việc Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi diễn biến dòng chảy sông Mekong mùa khô năm nay là rất cần thiết. Đây là cơ sở để các địa phương và người dân có biện pháp trữ nước, né vụ, thu hoạch sớm và có các biện pháp khác phù hợp.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm