Vì sao vùng Tham Lương ngập nặng?

Đến đầu giờ chiều 13-10, nhiều tuyến hẻm dọc đường Tô Ngọc Vân (quận 12, TP.HCM) vẫn còn chìm trong biển nước. Tình trạng ngập úng ở khu vực này kéo dài từ giữa khuya 12-10 đến nay và nước chưa có dấu hiệu rút xuống. Các con hẻm dọc đường Hà Huy Giáp, khu vực gần kênh rạch nước cũng ngập sâu, nhiều nhà bị cô lập.

Ngập cả hầm chung cư

“Tôi ở đây bao nhiêu năm, chưa từng chứng kiến đợt ngập nào quá mức như thế này” - chị Tâm, nhà ở trong hẻm thuộc khu phố 5, phường Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM), phản ánh.

Anh Phan Thiên Hưng, nhà ở hẻm 316 quốc lộ 1A, phường Thạnh Xuân, cho biết: “Chiều 12-10, dù trời mưa rất to nhưng nhà tôi không bị nước vào. Tưởng là thoát nạn vì xưa nay khu này chưa bao giờ bị ngập. Nào ngờ lúc 2 giờ khuya 13-10, tôi giật mình dậy thì thấy nước đã vào nhà ngập hơn đầu gối, đồ đạc trong nhà nổi lềnh bềnh trong nước”.

Ghi nhận tại tầng hầm chung cư Đông Hưng (phường Tân Hưng Thuận, quận 12), nước lớn tràn vào khiến hàng chục ô tô, xe máy bị nhấn chìm. Đến trưa cùng ngày, lực lượng chức năng và người dân vẫn đang tích cực bơm nước, di chuyển phương tiện ra ngoài để sửa chữa.

Nhiều người khác ở một số khu vực đường Nguyễn Văn Quá, Phan Huy Ích… cũng bất ngờ trước cảnh ngập lênh láng như trên bởi đây là khu vực khá cao, ít ngập, mặt khác nơi đây cũng đã có dự án cải tạo chống ngập.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về nguyên nhân gây ngập úng ở khu vực trên, một lãnh đạo phòng Quản lý thoát nước Sở GTVT TP.HCM nhận định: “Tối 12-10, mưa lớn kéo dài gần như suốt đêm. Đến sáng lại gặp triều lên cao nên những khu vực ven kênh rạch bị ngập úng, nước không thoát kịp”.

Cảnh ngập úng kéo dài ở các tuyến hẻm dọc đường Tô Ngọc Vân và Hà Huy Giáp (quận 12, TP.HCM). Ảnh: T.THANH

Tầng hầm chung cư Đông Hưng (phường Tân Hưng Thuận, quận 12), nước lớn tràn vào khiến ô tô, xe máy chìm trong nước. Ảnh: N.TÂN

Nhiều dự án chưa thể thực hiện

Về tình trạng ngập úng kéo dài ở các tuyến đường thuộc lưu vực Tham Lương - Bến Cát như đường Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Quá, Phan Huy Ích (quận 12), đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm chống ngập, giải thích: “Thời gian gần đây, khu vực này có nhiều trận mưa có vũ lượng lớn hơn trước đây rất nhiều, lại xảy ra dồn dập, trong khi đó hệ thống cống thoát nước phần lớn đều nhỏ hẹp, xuống cấp nên dẫn đến tình trạng ngập nặng hơn trước đây”.

Cơn mưa chiều 12-10 rất to, nước rút không kịp nên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận 12 bị ngập. Tuy nhiên, lúc này triều cường chưa lên nên vẫn chưa ngập sâu. Lúc khuya 13-10, triều cường lên gặp tiếp cơn mưa to và trở nên ngập nặng. Hiện quận đang cho tập trung máy bơm bơm nước ra ngoài để khắc phục tình trạng ngập lụt.

Ông Lê Trương Hải Hiếu,  Chủ tịch UBND quận 12 

Theo ông Long, khu vực nói trên trung tâm đã lên kế hoạch thực hiện các dự án cải tạo cống thoát nước chống ngập. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên chưa thực hiện được. “Khu vực này thuộc dự án Quản lý rủi ro chống ngập. Ban đầu dự kiến dự án này do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 400 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó nguồn vốn này không huy động được. Hiện TP đang xem xét tìm nguồn vốn khác để tiếp tục thực hiện dự án này”.

Về tình trạng ngập tái diễn ở đường Nguyễn Văn Quá, trả lời câu hỏi vì sao tuyến đường đã được lắp cống hộp lớn và mới đưa vào sử dụng trong năm 2016 (do Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, có tổng kinh phí xây lắp 163 tỉ đồng) nhưng ngập không giảm, ông Long cho rằng do dự án chưa làm xong hạng mục cửa xả ra kênh Tham Lương nên khu vực vẫn còn ngập khi mưa lớn.

Mưa vượt xa tần suất thiết kế, hạ tầng không theo kịp

Theo Trung tâm chống ngập, chiều tối 12-10 đến rạng sáng 13-10, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện trận mưa lớn trên diện rộng. Đợt thứ nhất từ lúc 17giờ 30 đến 19 giờ ngày 12-10. Đợt thứ hai từ 1 giờ 30 đến 4 giờ ngày 13-10.

Sau trận mưa, trên địa bàn TP đã xảy ra ngập tại 12 tuyến đường, chiều sâu ngập từ 0,10 m đến 0,25 m; diện tích ngập từ 720 m2 đến 4.800 m2, thời gian rút nước trung bình từ 30 phút đến 3 giờ. Ngoài ra, do mưa lớn trong thời gian ngắn nên xuất hiện tụ nước trên 15 tuyến đường, nước rút hết sau mưa từ 10 đến 20 phút. Đơn cử các tuyến đường Nguyễn Hồng Đào, Bàu Cát, Đồng Đen, Ba Vân, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Mai Xuân Thưởng, Lê Quang Sung, Tôn Thất Hiệp, Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu… Các tuyến đường trên là những tuyến đường nằm trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Trận mưa nói trên kết hợp với triều cường +1,39 m với vũ lượng đạt đến 206,2 mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay” - Trung tâm chống ngập đề cập thêm.

Cũng theo Trung tâm chống ngập, trận mưa lớn vừa qua tập trung các vùng trung tâm TP, vùng Tây, Bắc TP. Đây là những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng phát triển không theo kịp, có nhiều dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. “Đối với vùng trung tâm đã và đang được đầu tư thực hiện các dự án thoát nước góp phần cải thiện tình hình ngập rõ rệt, có thể đáp ứng được những cơn mưa có vũ lượng lớn” - Trung tâm chống ngập giải thích.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.