Hàng loạt kênh rạch giáp ranh giữa Long An và TP.HCM tiếp nhận nước thải từ khu công nghiệp

(PLO)- Sở TN&MT tỉnh Long An sẽ tăng cường công tác kiểm tra nước thải công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu cụm công nghiệp cạnh các kênh rạch giáp ranh giữa Long An và TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM và UBND tỉnh Long An vừa đưa ra kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực kênh giáp ranh hai địa phương giai đoạn 2024 - 2030.

Cụ thể là các đoạn kênh: Thầy Cai, An Hạ, ranh Long An và tuyến kênh Rau Răm, đoạn sông Chợ Đệm - Bến Lức, đoạn sông Cần Giuộc và các nhánh lân cận.

Nước thải.jpg
Kênh Thầy Cai đi qua huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: QUANG DUY

Tiếp nhận nước thải từ các nhà máy, KCN...

Theo đánh giá, kênh Thầy Cai - An Hạ đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và đảm nhiệm chức năng tưới tiêu, ngăn mặn rửa phèn, dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các nông trường nằm dọc tuyến kênh. Ngoài ra, đây còn là khu vực tiếp nhận nước thải sinh hoạt dân cư sinh sống quanh lưu vực kênh.

Đặc biệt, hệ thống kênh rạch ở đây còn chịu áp lực bởi lượng nước thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn huyện Hóc Môn, Bình Chánh và nước thải từ khu xử lý chất thải rắn huyện Củ Chi và một số nhà máy sản xuất, khu công nghiệp (KCN) thuộc tỉnh Long An

Cụ thể đây là nơi tiếp nhận nước thải từ các KCN như Thái Hòa, Hồng Đạt, Việt Hóa - Đức Hòa II, Xuyên Á, Tân Á Đại Thành, Tân Phú Trung...

Kênh ranh Long An đi qua huyện Hóc Môn, Bình Chánh và đảm nhiệm chức năng tiêu thoát nước cho khu vực, bên cạnh đó còn tiếp nhận nước thải từ các KCN trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Long An như Cụm công nghiệp Nhị Xuân và KCN An Hạ.

Sông Chợ Đệm nằm phía Tây Nam khu trung tâm TP từ ngã ba kênh Đôi đến ngã ba sông Bến Lức, chảy qua địa phận quận Bình Tân, huyện Bình Chánh. Tiếp nhận nước thải từ các nhánh rạch địa bàn các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 8 và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn quận Bình Tân, quận 8, huyện Bình Chánh... và bãi rác Đa Phước.

Sông Cần Giuộc ở khu vực TP.HCM được xem như là một trong những nhánh thượng nguồn của sông Cần Giuộc của tỉnh Long An. Sông chảy theo hướng Bắc Nam, qua địa bàn quận 8 và huyện Bình Chánh. Sông tiếp nhận nước thải chủ yếu từ dân cư của thị trấn Cần Giuộc, KCN Tân Kim.

Phối hợp kiểm soát ô nhiễm

Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Long An và TP.HCM rất quan trọng và cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, thường xuyên của cả hai tỉnh thành.

Do vậy, để đạt được hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm soát ô nhiễm tại lưu vực các kênh, sông nêu trên, tỉnh Long An và TP.HCM thống nhất xây dựng kế hoạch liên tỉnh về tăng phối hợp kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực kênh giáp ranh TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030.

Theo đó, Sở TN&MT Long An sẽ phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu cụm công nghiệp thuộc khu vực giáp ranh Long An và TP.HCM.

Đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu chủ nguồn thải thuộc đối tượng lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục thực hiện lắp đặt và kết nối dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

Sở TN&MT TP.HCM, phải chia sẻ thông tin về quản lý chất thải rắn. Cụ thể là phối hợp chia sẻ thông tin về các phong trào, hoạt động vệ sinh môi trường, khi có phát hiện các trường hợp tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển trái phép chất thải rắn từ Long An về TP.HCM và ngược lại phải kịp thời thông tin để có biện pháp xử lý theo quy định.

Sở NN&PTNT TP.HCM được giao tăng cường thực hiện các quy định quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đối với đoạn kênh Thầy Cai -An Hạ. Cạnh đó là chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi tổ chức thực hiện việc nạo vét bùn đất bồi lắng, vớt rác, xử lý lục bình, cỏ dại và khơi thông dòng chảy đối với đoạn kênh Thầy Cai - An Hạ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm