Dân 'ngạt thở' với các cơ sở chế biến mực ô nhiễm

(PLO)- Hàng chục cơ sở chế biến mực xà ở khu vực đầm Đề Gi thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đẩy nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm trong khu vực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều gia đình sống ở khu vực gần cảng cá Đề Gi thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định phản ánh nhiều năm qua họ phải sống chung với mùi hôi, ô nhiễm trầm trọng từ các cơ sở chế biến mực.

ô nhiễm
Dòng nước đen ngòm ở con kênh dọc các cơ sở chế biến mực xà khu vực gần cảng cá Đề Gi. Ảnh: THU DỊU

Dân sống chung với ô nhiễm

Ghi nhận thực tế tại hai thôn An Quang Đông, An Quang Tây của xã Cát Khánh cho thấy có khá nhiều cơ sở chế biến mực xà bằng thủ công. Mực được rửa, xẻ, xếp lên những tấm phên tre rồi đem phơi.

Hầu hết các cơ sở chế biến mực xà ở đây đều dẫn nước thải từ sơ chế mực xả trực tiếp ra con kênh phía ngoài. Từ từ, dòng kênh đen ngòm, đặc quành, bốc mùi hôi thối nồng nặc, đầy ruồi nhặng, ngay bên trên là những tấm phên tre phơi mực.

z5382448399526_fb9d1fa1d358fd1f4e56a18840133f90.jpg
Khu vực chế biến, phơi mực xà ở xã Cát Khánh. Ảnh: THU DỊU

Trời càng nắng, mùi hôi từ cống nước, từ các vỉ mực càng bốc lên nồng nặc. “Đến mùa nắng thì chúng tôi muốn ngạt thở. Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị. Chính quyền xã biết rõ tình hình nhưng nhiều năm nay vẫn vậy”- một người dân ở thôn An Quang Tây than thở.

Một số người nuôi thủy sản ở khu vực đầm Đề Gi cũng phản ánh nước thải từ các cơ sở chế biến mực chảy ra đầm, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến nuôi thủy sản.

Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, địa phương này hiện có 42 cơ sở chế biến mực xà thủ công. Tình trạng chế biến mực gây ô nhiễm môi trường tồn tại dai dẳng ở địa phương nhiều năm qua.
Năm 2023, chính quyền các cấp đã xử phạt 30 cơ sở chế biến mực xà, tổng số tiền là 1,3 tỉ đồng nhưng đến nay chưa có cơ sở nào nộp phạt. Tình hình ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sẽ cấm hoạt động nếu không khắc phục

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chế biến mực xà ở khu vực Đề Gi tồn tại nhiều năm qua.

Theo ông Hưng, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức họp liên ngành, chủ tịch huyện trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề này.
Trước đây, khi có phản ánh về tình trạng ô nhiễm, huyện đã triển khai nhiều giải pháp. Thời điểm đó, để hài hòa giữa sinh kế của người dân và môi trường, huyện giao xã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định.

"Quan điểm của huyện là cấm hoạt động các cơ sở chế biến mực xà thủ công. Sau khi họp thống nhất giải pháp, chúng tôi kết luận hiện trên địa bàn huyện không có cơ sở nào đủ điều kiện hoạt động chế biến mực xà theo quy định. Do đó, không được phép nhập mực xà từ nơi khác về để chế biến"- ông Hưng thông tin.

Cũng theo chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cơ sở nào muốn tiếp tục hoạt động trước hết phải thực hiện các quy định về giấy phép, an toàn vệ sinh, có đầy đủ hệ thống xử lý chất thải theo quy định.

Ông Hưng xác định việc này chắc chắn sẽ gặp trở ngại nhưng nếu không kiên quyết sẽ không giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
"Đây là bước đầu tiên trong việc tổ chức sắp xếp lại nghề chế biến hải sản ở địa phương cho phù hợp. Khi đã công bố đầy đủ thông tin, tổ công tác liên ngành của huyện sẽ vào cuộc xử lý dứt điểm các cơ sở chế biến mực xà hoạt động chui"- ông Hưng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm