Huyện, xã: “Dân phẫn nộ”
Khi đại diện MTTQ huyện Tiên Lãng trình bày báo cáo diễn biến vụ việc cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn, luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã thẳng thắn đề nghị: “Những gì có trong văn bản thì không cần nói”.
Ông Tiết nói rõ hiện nay tình hình dư luận có nhiều bức xúc vì vậy đoàn về đây muốn gặp người dân lắng nghe ý kiến của họ, động viên bà con ăn tết. Ông Tiết đặt yêu cầu MTTQ huyện Tiên Lãng giải đáp cho đoàn giám sát các vấn đề: MTTQ cơ sở biết vụ việc từ bao giờ, từ đó đến nay đã làm được gì, lý do thu hồi và thu hồi đầm để làm gì.
Giáo sư Nguyễn Lang, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cũng đặt vấn đề tại sao khi hết thời hạn giao đất lại không cho ông Vươn sử dụng tiếp mà lại thu. “Sự việc xảy ra trong nhiều năm, người dân khiếu kiện, với vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp của dân, MTTQ huyện đã làm được gì?”- ông Lang nói.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tiên Lãng, cho biết nhân dân rất bức xúc vì ông Vươn và người thân đã manh động như vậy. “Nhân dân vô cùng phẫn nộ về hành động ngông cuồng, mất tính người của ông Vươn”-ông Tuấn nói. Ông Tuấn đưa ra lý do thu hồi vì huyện dự kiến quai đê lấn biển lần hai, đồng thời nơi đó sẽ là sân bay vì đã được quy hoạch. Tuy nhiên, trước đó, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và ông Lê Thanh Liêm (em trai ông Hiền), Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết huyện thu hồi để giao cho xã thực hiện đấu thầu cho những ai có điều kiện tốt hơn thuê.
Làm việc với Đoàn giám sát, ông Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang nói khu đầm của ông Vươn và ông Luân nuôi trồng thủy sản nằm ở ngoài đê, không phải là đất nông nghiệp. Ông Hoan cho rằng hộ anh Vươn không làm nghĩa vụ với nhà nước, đã thế còn phá rừng ngập mặn.
Ông Hoan cho rằng việc huyện thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế thu hồi là đúng quy định của pháp luật nhưng “không ngờ các đối tượng lại manh động như vậy”. Ông Hoan nói hiện nhà anh Vươn còn 21 ha đầm nhưng do sợ còn có mìn nên xã vẫn không cho người vào. Ngay cả chị Thương (vợ anh Vươn), chị Hiền (vợ anh Quý) cũng chưa được vào mà cần phải làm các thủ tục cần thiết mới được tới đó.
Ông Bí thư xã Vinh Quang cũng mạnh mẽ phê phán các cơ quan thông tin đại chúng đã đưa nhiều thông tin không đúng khiến “chúng tôi rất bất bình”. Tuy nhiên, khi Đoàn giám sát hỏi cụ thể báo nào thông tin nào chưa chính xác thì ông Hoan lại không chỉ ra được sự thiếu chính xác đó.
Dân: Đổ vạ cho dân
Cuối chiều, khi đoàn giám sát cho biết muốn tới các hộ dân lắng nghe ý kiến thì lãnh đạo xã sốt sắng cử một số cán bộ đi cùng. Mặc dù đoàn giám sát nói muốn tự tìm tới dân nhưng các cán bộ này vẫn sốt sắng đưa đi. Vì vậy, tới tận tối, khi những cán bộ xã không còn đi theo, Đoàn giám sát mới tiếp cận được người dân gần khu vực đầm anh Vươn.
Cán bộ đoàn giám sát ghi nhận ý kiến người thân chủ đầm Đoàn Văn Vươn. Ảnh: HUY HOÀNG
Tiếp xúc với luật sư Tiết, anh Đ. sống gần khu cống Rộc, nói anh rất bức xúc khi xem truyền hình và đọc báo thấy cán bộ thành phố đổ cho người dân bất bình phá nhà anh Vươn. “Không có một người dân nào phá cả. Thậm chí dân còn bị cấm không được vào đó”. Sống ở đây 30 năm, anh Đ đã chứng kiến những năm tháng anh Vươn lấn biển. Khi ấy ngoài đê là biển nước, chẳng ai dám làm. Thấy anh Vươn nhận làm nhiều người phát hoảng.
“Cả nhà anh ấy làm quần quật ngày đêm, khổ lắm. Bố anh ấy già yếu rồi cũng ra đây chẻ tre đan từng tấm liếp để ốp vào kè chắn sóng khỏi bị cuốn tan. Gần chục năm trời cả nhà anh ấy lao đao, vay tiền tỷ, vừa làm kè vừa phải trồng toàn bộ dải rừng chắn sóng bên ngoài mới tạo được cơ ngơi này”- anh Đ. nói.
“Bờ kè của anh Vươn có lợi ích gì với người dân?”- ông Tiết hỏi. “Mùa mưa chúng cháu không phải chạy bão như trước vì không lo vỡ đê nữa. Dọc làng này nhà nào cũng tôn trọng và biết ơn anh ấy. Anh ấy tạo việc làm, hàng ngày lại cho dân trong xóm ra bắt còng cáy ngoài bãi”- anh Đ. nói.
Ông Mai Công Chứng, 85 tuổi, ở sát cống Rộc gần 50 năm, cho biết ông đã chứng kiến không biết bao lần bờ kè của anh Vươn bị sóng cuốn bay. “Hồi ấy là biển nước chỉ lác đác có vài cây sú, bần mọc được, cói không mọc nổi, anh Vươn nhận làm còn ở nhờ nhà tôi mãi”-ông Chứng nói.
Ông Chứng đã chứng kiến chuỗi ngày gian nan, vất vả của gia đình anh Vươn. Bờ kè cứ đắp sáng thì chiều sóng đánh vỡ, chiều đắp sáng vỡ. “Kè vỡ nhiều quá nên không ít lần ông Thiểu (bố Vươn) khuyên răn Vươn bỏ cuộc nhưng anh vẫn không lùi bước. Nhờ thế mà khu đầm đã bảo vệ được đê biển phía trong, chúng tôi không phải sơ tán khi bão vào”- ông Chứng kể - “Đến lúc nên cơ đồ thì lại bị thế đấy”.
Các hộ ông P.V.B (thôn Chùa trên), N.T.X (thôn Rừng Thông) cho biết anh Vươn tấn công người thi hành công vụ là sai nhưng anh cũng là người có công lớn với những hộ dân xung quanh.
Tối cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới thăm hỏi lắng nghe ý kiến của người thân anh Vươn. Chị Thương cho biết không còn nhà cửa nên gia đình đang phải tá túc tại nhà anh Đoàn Văn Thoại (nghi can đang bỏ trốn). Theo chị Thương, gia đình chỉ mong muốn được các ban ngành trung ương quan tâm, xem xét làm rõ sự việc. Đồng thời, mong muốn người thân được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
HUY HOÀNG