Vụ cưỡng chế thu hồi khu đầm tại Hải Phòng: Tòa nhầm lẫn?

Cuối chiều 12-1, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ nổ súng vào lực lượng cưỡng chế của chủ đầm Đoàn Văn Vươn cùng người nhà. Đại tá Vũ Sỹ Hưng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, cho biết sau khi bị bắt giữ, ông Vươn cùng người nhà đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình và bày tỏ mong muốn được pháp luật khoan hồng.

Huyện: Thu hồi không đền bù là phù hợp!

Trả lời về nguồn gốc khu đầm nuôi trồng thủy sản của ông Vươn, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, cho biết: Năm 1993, huyện chỉ giao 21 ha đất bãi bồi ven biển cho ông Vươn, sau đó ông Vươn lấn ra biển thêm 19,3 ha phía ngoài, rồi đề nghị hợp thức hóa, được huyện ra quyết định giao đất bổ sung. Hết thời hạn giao đất, huyện đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 40,3 ha đầm của ông Vươn, trong đó có cả 19,3 ha mới làm thủ tục giao bổ sung.

Ông Hiền cho biết việc huyện ra quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản thời hạn ngắn hơn so với quy định của luật là căn cứ vào đề nghị của ông Vươn. Trả lời câu hỏi vì sao huyện thu hồi đất không bồi thường, ông Hiền cho rằng tại các quyết định giao đất đều đã quy định rõ hết thời hạn chủ sử dụng phải bàn giao không được bồi thường. Tuy nhiên, trong quyết định giao 19,3 ha đầm của ông Vươn không có dòng nào nói thu hồi đất mà không bồi thường. “Huyện thu hồi không bồi thường căn cứ theo Điều 38 Luật Đất đai” - ông Hiền nói.

Vụ cưỡng chế thu hồi khu đầm tại Hải Phòng: Tòa nhầm lẫn? ảnh 1

Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thừa nhận căn nhà hai tầng bị phá này nằm trong khu vực chưa bị cưỡng chế. Ảnh: HH

Trả lời câu hỏi huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản thời hạn dưới 20 năm có đúng quy định của pháp luật không, ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng, cho rằng huyện Tiên Lãng giao đất cho ông Vươn vào ngày 4-10-1993, thời điểm trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993), vì vậy huyện căn cứ vào Luật Đất đai năm 1987. (Riêng đối với khu đầm 19,3 ha của ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất vào năm 1997 thì ông Sản chưa lý giải.)

Khi được hỏi tại sao căn nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Quý tại khu đầm không nằm trong phần diện tích 19,3 ha mà huyện cưỡng chế thu hồi nhưng đã bị san phẳng, phải chăng huyện đã cưỡng chế nhầm, ông Hiền thừa nhận ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế. Theo ông Hiền, lúc đó căn nhà bị đập là “áp dụng các biện pháp…”.

Tòa: Trả lời nhầm (?!)

Giải trình về công văn của Thẩm phán Ngô Văn Anh ký trả lời ông Đoàn Văn Vươn ngày 25-6-2010, ông Phạm Văn Phích, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng, nói do sơ suất trong việc nghiên cứu và trả lời đơn khiếu nại của công dân nên thẩm phán này đã có sự nhầm lẫn. Theo ông Phích, tháng 3-2010, TAND TP thụ lý hai vụ án hành chính phúc thẩm: Một, giữa ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng; hai, ông Vũ Văn Luân cũng kiện UBND huyện Tiên Lãng về quyết định thu hồi đất.

Trong quá trình giải quyết vụ án của ông Luân, TAND TP đã lập biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. Sau đó ông Luân rút đơn kháng cáo, TAND TP đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Ông Phích nói trong tố tụng hành chính cho phép tạo điều kiện thỏa thuận. Văn bản này không sai.

Riêng vụ ông Vươn do thẩm phán Cao Thành Ngọc thụ lý. TAND TP không lập biên bản thỏa thuận đối với vụ kiện này. Sau khi ông Vươn rút kháng cáo, TAND TP ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Bởi vậy, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, giữ nguyên hiệu lực quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng. Sau đó, ông Vươn có đơn khiếu nại, thẩm phán Ngô Văn Anh có sự nhầm lẫn giữa trả lời ông Luân thành trả lời ông Vươn. Do sơ suất này, TAND TP đã kiểm điểm Thẩm phán Ngô Văn Anh.

Khi các phóng viên hỏi đây là hai vụ kiện của hai người khác nhau do hai thẩm phán thụ lý, vậy sao ông Ngô Văn Anh có thể nhầm lẫn trả lời sang ông Vươn, ông Phích nói: Tuy ông Ngô Văn Anh không thụ lý nhưng là chánh Tòa Dân sự, thừa lệnh của chánh án TAND TP, có trách nhiệm trả lời đơn của công dân. Ông Phích cho rằng sự nhầm lẫn này là đáng tiếc.

“Tuy nhầm lẫn nhưng bản chất vụ án không thay đổi” - ông Phích nói. Trước câu hỏi vụ án ông Vươn không xét xử phúc thẩm vì tòa đã tổ chức cho thỏa thuận với huyện với nội dung rút đơn sẽ cho thuê đất tiếp, ông Phích nói trong hồ sơ vụ án không có biên bản thỏa thuận này.

Thẩm phán Anh có hòa giải vụ ông Vươn

Tôi là hội thẩm nhân dân của TAND TP Hải Phòng nhiều năm. Hôm đó tôi được mời tham gia tố tụng một phiên tòa dân sự ở tòa này. Tôi lên phòng Thẩm phán Ngô Văn Anh để chờ ông ấy đi xử. Tôi thấy có hai cán bộ huyện Tiên Lãng, một người là ông Hoa, một người tôi không biết tên ở trong phòng. Một bên là anh Luân (Vũ Văn Luân), anh Vươn (Đoàn Văn Vươn). Tòa mời các anh lên làm hòa giải giữa hai bên.

Hai bên thỏa thuận với nhau, hai cán bộ huyện vận động ông Luân, ông Vươn rút đơn kháng cáo, tòa không phải xử nữa thì huyện sẽ cho thuê lại đất. Ông Ngô Văn Anh, Chánh tòa Dân sự TAND TP Hải Phòng, làm “trọng tài” ngồi giữa. Ông Anh nói: thôi giờ thế này, có đơn kiện đây, tôi gọi hai bên lên để giải hòa, chúng tôi không phải xét xử. Nếu rút đơn thì không phải đưa ra tòa phúc thẩm nữa. Thế nhưng phải ưu tiên cho họ thuê đất. Bên kia bảo thế thì rút đơn đi, không phải đưa ra tòa phúc thẩm nữa. Hai bên thỏa thuận với nhau để về cho thuê lại đất. Hai bên ký với nhau thế nào tôi không rõ, chỉ nghe hẹn nhau nay mai về Tiên Lãng làm bữa thịt chó…

Ông ĐOÀN XUÂN LĨNH, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban
Đoàn kết công giáo TP Hải Phòng,
Hội thẩm nhân dân TAND TP Hải Phòng

Ông Phạm Văn Tỉnh,phó chánh thanh tra tổng cục quản lý đất đai:

Phải tính đến chuyện bồi thường

Chính quyền thu hồi đất mà không bồi thường, hỗ trợ cho ông Vươn là chưa hợp lý. Theo luật, đất được giao mà thu hồi trước thời hạn thì người sử dụng đất được bồi thường đối với đất và tài sản trên đất trên cơ sở tính giá trị còn lại. Nếu thu hồi đất này đúng thời hạn thì không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ với công trình trên đất như nhà trông coi nơi nuôi trồng thủy sản, cống dẫn nước, bờ bao…

Theo tôi, cần giao lại đất cho hộ gia đình ông Vươn và đảm bảo đúng theo hạn mức do pháp luật quy định. Số diện tích còn lại, địa phương cho gia đình ông Vươn thuê hết hoặc chỉ cho thuê một phần. Nếu chỉ cho thuê một phần thì phần còn lại địa phương thu hồi rồi có thể đưa ra đấu thầu. Phần đưa ra đấu thầu, gia đình ông Vươn cũng được tham gia đấu thầu bình đẳng như những hộ dân khác trong khu vực.

Việc người dân phản ứng tiêu cực, chống lại lực lượng cưỡng chế như vậy là sai. Hành động như vậy là không thể chấp nhận. Nếu người dân bình tĩnh thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Tuy nhiên, trong vụ việc này, lỗi của chính quyền cũng có nhiều, rồi còn ép dân. Trong việc thu hồi đất, cần phân tích cho người dân hiểu. Huyện Tiên Lãng phải nghiêm khắc tự kiểm lại mình trong việc giao và thu hồi đất.

Qua sự việc này, các địa phương khác cũng cần xem lại việc giao, cho thuê, thu hồi đất, nếu thấy chưa hợp lý thì phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh này tránh làm thiệt hại tới người dân. Làm được như vậy có thể tránh được những xung đột, mâu thuẫn không đáng có giữa người dân với chính quyền...

HOÀNG VÂN ghi

Nên ủng hộ việc cưỡng chế của huyện (!)

Khi các phóng viên đặt rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, ông Phạm Hữu Thư, Chánh Văn phòng - người phát ngôn của UBND TP Hải Phòng, liên tục nhắc do đã muộn nên cần sớm kết thúc cuộc họp báo. Thậm chí ông Thư còn “mặc cả” với phóng viên “hỏi nốt câu hỏi này thôi nhé”. “Trong bối cảnh hiện nay, không nên đi sâu vào hoàn cảnh của người sai phạm mà nên thông tin ủng hộ việc cưỡng chế của huyện Tiên Lãng” - ông Thư nói.

Ông Đào Chung Chính,Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lýđất đai:

Bộ đã yêu cầu Sở TN&MT Hải Phòng báo cáo

Bộ TN&MT đã yêu cầu Sở TN&MT TP Hải Phòng báo cáo ngay về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Việc xử lý trước tiên là do địa phương, trên cơ sở đó Bộ sẽ xem xét. Nếu việc xử lý không đúng, Bộ sẽ “tuýt còi”.

HUY HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm