Đoàn Thạch Biền - Nhà văn có duyên với tuổi mới lớn

Nhắc đến nhà văn Đoàn Thạch Biền bạn đọc từ trước 1975 cho đến nay đều nằm lòng tác phẩm đầu tay “Ví dụ ta yêu nhau”.

Ông cũng là tác giả nhiều đầu sách viết về những rung động đầu đời của lứa tuổi mới lớn.

“Tình nhỏ làm sao quên”

Truyện vừa “Tình nhỏ làm sao quên” đánh dấu tên tuổi của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Tác phẩm này được nhiều thế hệ tìm đọc.

Gần 30 năm trước - năm 1993, nhà văn Đoàn Thạch Biền chuyển thể tác phẩm “Tình nhỏ làm sao quên” thành kịch bản phim cùng tên (Hãng phim Giải phóng). Phim này được đạo diễn loạt phim Ván bài lật ngửa Lê Hoàng Hoa dàn dựng, quay phim Nguyễn Hòe. Bộ phim với sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng: Lê Cung Bắc, Đơn Dương, Diễm Hương, Hồng Vân... Đây cũng là bộ phim đã đưa Mỹ Duyên thành ngôi sao màn bạc.

Mỹ Duyên vào vai Lan Hương - một cô gái thiểu năng trí tuệ bị bố mẹ xa rời, không quan tâm. Cô gái luôn đi tìm kiếm lại những mất mát, thiếu thốn trong cuộc sống cô độc của mình. Cuộc kiếm tìm tưởng như vô vọng. Và cuối cùng cô gái đã ra đi… 

Chính nhờ vai diễn này Mỹ Duyên (ảnh) đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim lần thứ X tổ chức năm 1993 (Hải Phòng).

Mỹ Duyên vào vai Lan Hương. Ảnh chụp lại từ màn hình

Đến bây giờ nhắc đến vai diễn, Mỹ Duyên chia sẻ “Đó là một dấu ấn, một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp diễn xuất của tôi”.

NSƯT Mỹ Duyên vào vai con gái NSƯT Lê Cung Bắc trong phim 'Tình nhỏ làm sao quên'. Ảnh chụp lại từ màn hình

Khi hay tin đạo diện Lê Hoàng Hoa qua đời (ngày 31-7-2012), NSƯT Mỹ Duyên rất đau buồn. Cô chia sẻ với Dân Trí kỷ niệm vai diễn trong phim Tình nhỏ làm sao quên: “Ngay khi đọc kịch bản Tình nhỏ làm sao quên, tôi đã rất thích nhân vật của mình. Nhân vật ấy đã mang đến cho tôi những dấu ấn đầu tiên, sự trong sáng, ngây thơ, thuần khiết. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong nghề diễn của tôi. Đây cũng là vai chính đầu tiên của tôi trong một bộ phim video.
Chú Lê Hoàng Hoa rất nghiêm khắc, chú nghiêm khắc không phải để diễn viên sợ, mà để diễn viên làm việc tốt hơn. Tôi đã học được nhiều điều ở chú. Chú đã tận tình chỉ bảo cho tôi để vai diễn Tình nhỏ làm sao quên có được thành công như thế”.
 'Tình Nhỏ Làm Sao Quên' (phần 5) do nhà văn Đoàn Thạch Biền chuyển thể với sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội: Mỹ Duyên, Diễm Hương, Lê Cung Bắc, Hồng Vân, Đơn Dương... Nguồn: Youtube

Nhà văn Đoàn Thạch Biền trao tặng tất cả tác quyền

Cuối năm 2019, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã trao tặng tất cả tác quyền của ông cho Công ty Cổ phần Văn hoá Huyền Đức. Thời điểm đó, Huyền Đức đã kịp tái bản “Ví dụ ta yêu nhau” - đây là cuốn sách đầu tay của Đoàn Thạch Biền in năm 1974 với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh.

Tuy nhiên đến năm 2020 thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến kế hoạch tái bản lại tất cả các đầu sách của nhà văn Đoàn Thạch Biền bị gián đoạn vì nhiều lý do khách quan không thể cưỡng lại.

Theo nhà văn, đây là 3 tác phẩm viết về những mối tình đầu mà càng lớn tuổi với độ lùi của thời gian khiến ông rất tâm đắc. Ảnh: THN

Cũng cuối năm 2019, một nhà sản xuất phim đã liên lạc với Huyền Đức để xin chuyển thể tác phẩm của Đoàn Thạch Biền thành phim chiếu rạp nhưng cũng vì dịch COVID-19 nên dự án này phải tạm hoãn.

Nói đến phim ảnh, nhà văn Đoàn Thạch Biền là một nhà biên kịch có nghề. Trước năm 1975, ông từng nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Quốc gia (miền Nam) cho kịch bản văn học “Buổi tập kịch”.

Lần này, Huyền Đức tái bản ba tác phẩm do nhà văn Đoàn Thạch Biền tự chọn: Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành).

Nhân dịp sinh nhật ông ngày 10-5, ông và nhà thơ Đỗ Trung Quân đã ghi dòng chữ “Tình nhỏ làm sao quên” và ký tên lên bức tranh sơn mài được nghệ nhân Nguyễn Thanh Hùng (bên phải) ở Bình Dương thực hiện tặng nhà văn.

Bức tranh sơn mài này được chuyển thể từ tranh của nhà thơ Đỗ Trung Quân (bên trái) làm một trong 3 bìa sách in lần này. Ảnh: THN

Nhà văn Đoàn Thạch Biền đã tặng lại bức sơn mài cho Huyền Đức. Ảnh: THN

Huyền Đức sẽ bán đấu giá bức tranh trong thời gian thích hợp và dùng số tiền bán tranh để làm những việc liên quan đến văn hoá, giáo dục có ý nghĩa cộng đồng. 

Dẫu sau này nhà văn Đoàn Thạch Biền có viết nhiều tác phẩm nhưng nhắc đến ông là nhắc đến những trang văn tươi mới của tuổi học trò đầy mơ mộng. Những trang viết dành cho một thời Áo trắng tinh khôi với những rung động đầu đời khi tình yêu đầu vừa chớm nở...

 

Nhà văn Đoàn Thạch Biền

Chân dung nhà văn Đoàn Thạch Biền do Lê Sa Long vẽ.

Ông tên thật là Phạm Đức Thịnh, sinh ngày 10-5-1948 tại Nam Định, nhưng phần lớn cuộc đời ông sống tại TP.HCM.

Truyện dài Đoàn Thạch Biền viết năm 1974 Ví dụ ta yêu nhau với bút danh là Nguyễn Thanh Trịnh đã đưa ông trở thành một trong những nhà văn hàng đầu về viết cho tuổi mới lớn thời bấy giờ.

Sau 1975, nhà văn Đoàn Thạch Biền dạy học, làm rẫy, làm báo. Ông là người phụ trách chuyên san Áo Trắng. Tập san này chuyên viết về tuổi teen, tuổi học trò rất đỗi ngây thơ, trong trắng và những rung động đầu đời về tình yêu mới chớm của tuổi học trò đầy mộng mơ… Qua tập san này ông đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều tài năng trẻ cho văn học TP.HCM nói riêng cả nước nói chung.

Tác phẩm: 

Ví dụ ta yêu nhau - (Sài Gòn, 1974); Bất ngờ phía trái tim - (Nhà xuất bản Trẻ, 1987); Đừng đốt cháy bông hồng (Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1992); Phượng yêu (Nhà xuất bản Trẻ, 1993); Ví dụ ta yêu nhau (Nhà xuất bản Trẻ, 1995, tái bản); Tôi thương mà em đâu có hay (Nhà xuất bản Trẻ, 1998); Mây bay trong đầu (Nhà xuất bản Trẻ, 1998); Mùa hè khắc nghiệt (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2002).

Tình nhỏ làm sao quên (Nhà xuất bản Trẻ, 1990); Những ngày tươi đẹp (Nhà xuất bản Trẻ, 1995) và Kịch Đêm của cỏ (Nhà xuất bản Trẻ, 2004)...

Đoàn Thạch Biền - Nhà văn của tuổi trẻ tươi đẹp
(PL)- Nổi tiếng ngay từ tập truyện đầu tay Ví dụ ta yêu nhau (năm 1974) và tiếp đó là truyện dài Những ngày tươi đẹp (đầu năm 1975), ký tên Nguyễn Thanh Trịnh (15 năm sau tái bản với bút danh mới Đoàn Thạch Biền).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới