Doanh nghiệp đăng ký vốn 500.000 tỉ: 90 ngày sau sẽ 'rõ mặt anh hào'

Ngày 20-5, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký 3 doanh nghiệp (DN)  với số vốn điều lên đến hơn 500.000 tỉ đồng.

Mức vốn điều lệ mà ông Quốc Anh đăng ký đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người bởi con số này còn cao hơn vốn hóa của nhiều DN hàng đầu Việt Nam như: Vingroup, Vietcombank, BIDV,…

Ngày 2-6, trao đổi với PLO, ông Quốc Anh cho biết công ty đăng ký và làm thật chứ không đăng ký ảo vốn. Ông có hai dòng tiền để đưa vào, một là do tập đoàn tự làm ra bằng cách tự sản xuất phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin của tập đoàn và của các đối tác; Hai là kêu gọi chủ đầu tư mua cổ phần. Ông cho rằng số vốn này với ông chỉ là con số khiêm tốn.

Nhiều bạn đọc thắc mắc với PLO, có nhiều DN đăng ký vốn điều lệ khủng như vậy trên thực tế có nhiều không? Đã có cơ chế kiểm soát việc góp vốn trên thực tế hay chưa? Nếu DN vi phạm thời hạn góp vốn thì tính sao?

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng. Ảnh: MINH CHUNG/ Sở KH&ĐT TP.HCM cung cấp

TS Bùi Thị Hằng Nga (Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết: Hiểu một cách đơn giản thì vốn điều lệ (VĐL) do chủ sở hữu (CSH), thành viên công ty (TVCT) đã góp hoặc cam kết góp khi làm hồ sơ đăng ký thành lập DN.

Luật Doanh nghiệp quy định cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của bộ hồ sơ. Do đó, cơ quan ĐKKD không có quyền yêu cầu người thành lập DN phải có đủ số tiền như đăng ký mới quyết định cấp hay không cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN ĐKDN).

Tại thời điểm ĐKKD, việc đăng ký VĐL của DN bao nhiêu là quyền của họ. Tuy nhiên, để đảm bảo năng lực kinh doanh của DN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan thì pháp luật yêu cầu sau khi được cấp GCN ĐKDN thì CSH, TVCT phải có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn nhằm đảm bảo vốn thực bằng với VĐL đã đăng ký.

TS Hằng Nga nói thêm: Hết thời gian luật định (thông thường là 90 ngày không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản) mà không góp đủ vốn thì phải đăng ký giảm VĐL.

Hành vi vừa nêu là vi phạm khoản 5 Điều 16 Luật DN do “kê khai khống vốn điều lệ…”. Tuy nhiên, chế tài đối với hành vi này chỉ là phạt hanh chính 5-10 triệu đồng theo khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016 (áp dụng đối với cá nhân, tổ chức phạt gấp đôi) và “buộc đăng ký điều chỉnh VĐL…”.

 “Do đó, nên nhiều chủ thể có thái độ xem thường pháp luật khi khai khống VĐL nhằm tạo ra các hiện tượng trên mạng xã hội để đạt được mục đích của mình”, TS Hằng Nga nói.

Trong khi đó, ThS Lê Nhật Bảo (Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng với số VĐL đăng ký là hơn nửa triệu tỉ đồng thì DN không vi phạm pháp luật, do vậy cần được các cơ quan chức năng tôn trọng.

Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về tính khả thi của việc đăng ký số vốn quá lớn như vậy. Hiện nay, Luật DN quy định thành viên hay cổ đông có nghĩa vụ góp đủ số vốn đăng ký trong thời hạn 90 ngày kể từ khi công ty được cấp GCN ĐKDN. Nếu không góp đủ vốn trong hạn định thì sẽ bị các chế tài như đã nêu trên”, ThS Nhật Bảo nói.

ThS Nhật Bảo nói thêm: “Ở thời điểm hiện tại, vì các công ty này mới thành lập chưa quá 90 ngày nên chúng ta chưa có đủ dữ kiện để kết luận rằng họ khai khống VĐL hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Cơ quan đăng ký kinh doanh không có cơ sở từ chối

Thông tin với PLO , đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết khi doanh nghiệp này đăng ký thành lập với số vốn điều lệ quá lớn trên, phòng đã liên hệ trao đổi thì họ cho biết góp vốn là chuyện của doanh nghiệp, họ có khả năng góp được. Do đó, Sở cũng không có cơ sở để từ chối.  QUANG HUY 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới