Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp cùng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ (SSTP) vừa thực hiện khảo sát khả năng chống chịu của doanh nghiệp (DN) du lịch trong dịch COVID-19.
Cuộc khảo sát được thực hiện với sự tham gia 432 DN du lịch từ Hà Nội, TP.HCM và 16 tỉnh, TP là điểm đến hàng đầu với các ngành nghề kinh doanh và quy mô DN khác nhau.
Theo kết quả khảo sát, tác động đầu tiên của COVID-19 là làm giảm số lượng việc làm trong ngành du lịch. Tính đến tháng 3-2021, còn khoảng 61% số người lao động có việc làm trong ngành du lịch. Những ngành chịu tác động nặng là cơ sở lưu trú (61%), lữ hành quốc tế (90%) và 58% là bán hàng lưu niệm.
Thứ hai là có khoảng 56% số DN cho biết doanh thu năm 2020 chỉ còn ít hơn 25% so với năm 2019. Các DN du lịch nhỏ và siêu nhỏ của lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và vận chuyển du lịch chịu tác động nặng nhất.
Du lịch nội địa đang là thị trường trọng tâm của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: HT
Khảo sát cũng cho biết, do dịch COVID-19 nên phí quản lý và trợ cấp tài chính cho nhân viên phải nghỉ việc là phát sinh đáng kể đối với DN. Tuy nhiên, để khắc phục ảnh hưởng COVID-19, DN đã có những biện pháp như giảm thời gian làm việc để giảm lương, phổ biến nhất là ngành lưu trú và ăn uống.
Nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc tạm thời, nhiều nhất là trong ngành lữ hành quốc tế, tiếp theo là lữ hành nội địa và vận chuyển.
Về các biện pháp hỗ trợ DN, hầu hết các DN đều mong muốn được hỗ trợ tiêm ngừa COVID-19 cho người lao động sớm nhất (91%); giảm điều kiện, tăng mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (88%) và hỗ trợ người lao động gặp khó khăn…
Các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển dự đoán có sự thay đổi về dịch vụ sản phẩm. Ảnh: HT
Dự báo về hồi phục và phát triển du lịch, hơn 56% DN dự đoán hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào năm 2022. Tuy nhiên phần lớn các DN vừa (41%) dự đoán kinh doanh trở lại bình thường vào nửa sau năm 2022.
Bên cạnh đó, hầu hết các DN đều dự đoán sau COVID-19 sẽ có thay số lượng nhân viên là (79%) cơ cấu thị trường khách hàng (73%). Trong khi đó, các DN lớn và vừa ở ngành lữ hành, ăn uống và vận chuyển dự đoán có thay đổi về dịch vụ, sản phẩm.
Hơn 1/5 tổng số DN đều dự đoán sẽ phải thay đổi lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là DN lữ hành nội địa (34%) và DN lữ hành quốc tế (36%).
Bên cạnh đó, qua khảo sát của TAB “Hãy chia sẻ ý tưởng của bạn nhằm giúp Việt Nam phục hồi phát triển du lịch nội địa và du lịch quốc tế”, nhiều DN cho rằng kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch là cơ sở để phục hồi ngành du lịch nói chung.
Đối với phục hồi du lịch quốc tế, nhiều DN ủng hộ mở cửa quốc tế. Trong đó, áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 và quảng bá điểm đến an toàn là hai biện pháp được DN cho là sẽ hiệu quả trong thu hút khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng các gói kích cầu du lịch và phổ cập vaccine ở Việt Nam sẽ là nhân tố chính góp phần phục hồi du lịch nội địa.
Ngoài ra các DN đề xuất việc miễn, giảm thuế, phí, bảo hiểm hoặc giãn thời gian nộp thuế, phí, nợ ngân hàng cụ thể như giảm thuế đất, thuế tiêu thụ đặc biệt; giảm VAT xuống 5% trong năm 2021,2022; giảm phí bảo hiểm…