Một chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do chúng ta quá ưu ái DN FDI, cứ thu hút được vốn ngoại là tung ra nhiều chính sách ưu đãi. Những năm gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang chuyển sang Việt Nam đầu tư vì có nhiều chính sách ưu đãi (từ trung ương đến cả địa phương: giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, giá thuê đất với thời hạn lâu năm cũng rất rẻ... Nhưng cũng chính vì thế, nhiều DN FDI đã lạm dụng chính sách ưu đãi này để thao túng thị trường và thực hiện hành vi chuyển giá, khai lỗ giả nhưng lãi đã chuyển cho công ty “mẹ” ở nước ngoài. Sự chuộng ngoại để đạt thành tích thu hút vốn FDI đã tạo ra sự lỏng lẻo trong công tác quản lý giám sát các DN FDI này. Ưu đãi quyền lợi thì nhiều trong khi các nghĩa vụ phải thực hiện như bảo vệ môi trường thì DN FDI lại không hề áp dụng. Nhiều địa phương có kiểu cứ thấy DN FDI là ưu đãi mà không có những cam kết dẫn đến hậu quả môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
Một số ý kiến khác cũng chỉ ra rằng để được hưởng nhiều ưu đãi, DN FDI phải chi nhiều khoản lớn để “bôi trơn”, mà đầu tư ít nhất năm năm tại Việt Nam họ mới bắt đầu có lãi, nên họ buộc phải chuyển giá, báo cáo lỗ triền miên để trốn thuế.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ hợp lý để kiểm soát hành vi chuyển giá của các DN FDI thì giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh là hết sức cần thiết. Một đất nước muốn phát triển kinh tế không chỉ dựa phần lớn vào FDI mà phải phát triển các ngành của DN trong nước. Ngoài ra, cần chọn lựa những ngành thế mạnh đáng được thu hút vốn FDI để có chính sách ưu đãi DN FDI, như ngành nông nghiệp, công nghệ thông tin…
QUANG HUY