Ngày 12-11, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”. Tại hội thảo, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.
Theo ông Lê Việt Anh, những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Lê Việt Anh nhấn mạnh đến việc hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế của nền kinh tế nói chung.
Có mặt tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ về quá trình hướng đến mục tiêu net zero. Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại HEINEKEN Việt Nam, cho biết hiện đơn vị sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất, trong đó nhiệt năng tái tạo đến từ sinh khối và khí sinh học và toàn bộ điện năng được đảm bảo bằng chứng chỉ thuộc tính năng lượng. Trong năm 2023, công ty này đã giảm 93% phát thải CO2 trong sản xuất so với năm 2018.
Cụ thể, với bao bì, công ty tái sử dụng đến 97% chai thủy tinh và 99% két nhựa. Với lon nhôm và thùng carton, công ty đang hợp tác với các nhà cung cấp, nhà tái chế cho các dự án từ Lon nhôm ra Lon nhôm và carton to carton. “HEINEKEN Việt Nam là công ty đầu tiên trong tập đoàn thực hiện dự án này”, bà Ánh cho hay.
Xanh hóa là xu thế trung và dài hạn trên thế giới, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng đến trách nhiệm chung bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Những yêu cầu định tính về Xanh hóa đang được định lượng cụ thể hoá qua các chính sách với nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhất là thuế, chính sách thuế xử lý chất thải, khí thải…ở các thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Hiện nay, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp.
Theo ông Văng Viên Thông – CEO & Founder, thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET, bắt nhịp với xu hướng Net Zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26, REPEET đang nỗ lực hành động góp phần giảm phát thải carbon, giảm rác thải nhựa xả ra môi trường, và tối ưu việc tiêu thụ nước trong sản xuất dệt may.
Thay vì sử dụng polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, REPEET sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững từ sợi polyester tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam. Thương hiệu đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ khâu thu gom, phân loại, tái chế, sản xuất xơ, sợi, dệt vải đến các sản phẩm thời trang, góp phần giảm thiểu 57% phát thải carbon, và tiết kiệm 70% lượng nước tiêu thụ.
Không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao, REPEET đồng thời đầu tư vào nghiên cứu và phát triển những công nghệ tái chế mới, góp phần xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững không chỉ cho REPEET mà cả với các đối tác, nhãn hàng thời trang, và xu hướng tiêu dùng bền vững.