Doanh nghiệp không còn lúng túng khi phát hiện FO

Sau khi tái khởi động sản xuất, các doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã tìm được lối đi riêng của mình. Đặc biệt, sau khi lực lượng lao động được phủ vaccine thì DN đã tự tin hơn rất nhiều trong phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đây là nhận định được PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đưa ra tại tọa đàm “Sản xuất an toàn trong đại dịch” do plo.vn tổ chức ngày 13-12.

Xoay xở vượt qua nghịch cảnh

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, mặc dù COVID-19 đã khiến nhiều DN, nhất là DN ở TP.HCM phải đóng cửa, dừng hoạt động nhưng bản thân họ luôn tự tìm tòi để vượt qua nghịch cảnh, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp tại TP.HCM đang phục hồi mạnh mẽ. 
Trong ảnh: Công nhân làm việc tại một công ty may ở quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Đến giờ phút này, 88 dự án trong Khu công nghệ cao ở TP.HCM với khoảng 48.000 người lao động đã khôi phục 100% hoạt động. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có 1.408/1.412 DN hoạt động lại với số lượng lao động lên tới trên 280.000 người” - ông Ngân dẫn chứng.

Điều này cho thấy các DN ở TP.HCM đã bắt đầu vào nhịp hoạt động. Bên cạnh đó, các DN đang đẩy mạnh thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ Mỹ, châu Âu và các nước khác cho mùa đông lẫn Giáng sinh tới đây. “Năm nay chúng ta kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu” - ông Ngân nói.

Ở góc độ DN, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho hay cộng đồng DN đã rút ra được bài học lớn là phải tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ thông tin và sắp xếp lại quy trình làm việc theo hướng vừa làm việc trực tuyến kết hợp trực tiếp. Hiện các DN đã thích ứng với nhiều mô hình khác nhau. Đơn cử như chuyển sang làm việc trực tuyến, hạn chế các cuộc họp trong phòng kín, quan tâm đầu tư cho hệ thống thông gió… tại nhà máy.

Trước đây, DN thường xây dựng các quy trình trong hoạt động kinh doanh của mình như quy trình phòng cháy chữa cháy, môi trường… thì nay bắt đầu quan tâm đến quy trình về sức khỏe. Các DN có lực lượng nhân sự tham gia quy trình này, đó là nhân viên điều dưỡng, nhân viên y tế.

Song song đó, hiện nay các DN đã quan tâm nhiều hơn đến ý thức phòng chống dịch của người lao động khi tuyển dụng cùng với yêu cầu về năng suất, trình độ. Ngoài ra, nhiều công ty cũng đầu tư dây chuyền sản xuất mới, chấp nhận chi phí tăng để đầu tư các dây chuyền mà qua đó đảm bảo công nhân đứng cách nhau 2 m. “Đây là điều chưa có tiền lệ trong sản xuất” - ông Việt Anh nhận xét.

Cần chiến lược “sống chung” rõ ràng

Mặc dù đánh giá cao sự thích ứng nhanh chóng của các DN trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, điều quan trọng là các DN phải có sự hỗ trợ, chung sức của lãnh đạo trung ương và Bộ Y tế.

“Chúng ta cần có định hướng chiến lược rõ ràng để giúp cộng đồng DN tự tin hơn trong phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua đó để họ không còn phập phồng lo lắng phải đóng cửa, tái diễn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như giãn cách hay ba tại chỗ…” - ông Ngân nhấn mạnh.

Sống thích ứng với COVID-19, khi phát hiện ra ca F0, các DN hiện nay không còn lúng túng. Tuy nhiên, ông Ngân khuyến nghị bản thân các DN cũng cần củng cố lại y tế cơ quan. Đây là điều rất cần thiết để nâng cao và bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ người lao động. Bên cạnh đó, ở các khu công nghiệp cần xây dựng khu cách ly tạm thời cho F0.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Trần Việt Anh cũng đưa ra nhiều kiến nghị để đảm bảo an toàn sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. Ví dụ, Nhà nước cần quan tâm đến đội ngũ bác sĩ tâm lý để hỗ trợ DN. Bởi trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, có không ít người lao động bị trầm cảm, thậm chí ngay cả ban giám đốc cũng hoảng loạn do dịch bệnh. Do đó bác sĩ tâm lý rất quan trọng.

Mặt khác, người lao động ở các khu công nghiệp khi bị F0 thì tâm lý rất sợ hãi, hoang mang nếu phải tới các bệnh viện dã chiến ở xa nơi làm việc và nơi ở của họ. “Vì vậy, khi có bệnh viện dã chiến ngay trong khu công nghiệp, họ cảm giác như đó là phòng khám y tế của nhà nên rất yên tâm” - ông Việt Anh nói.

Ông cũng cho rằng một số mô hình sản xuất, kinh doanh được xây dựng và hoạt động cố định hàng mấy chục năm bây giờ phải thay đổi. Chẳng hạn tăng cường các cuộc họp trực tuyến; hạn chế họp trong phòng kín và họp nhanh, họp ít người. Trước đây, tuyển dụng về năng suất, kỹ năng nhưng bây giờ thêm ý thức phòng chống dịch. Việc hạn chế tiếp xúc cũng là một mô hình hoạt động mới.•

 

Chiến lược phòng chống dịch trong tình hình mới

Với chiến lược phòng chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là với kế hoạch phòng chống dịch mà Bộ Y tế đang chuẩn bị trình Chính phủ, chúng tôi cho rằng kế hoạch này vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất ca tử vong, đồng thời giúp DN ổn định phát triển kinh tế.

Như vậy, việc tiêm đủ liều vaccine cho lực lượng sản xuất ở TP.HCM có vai trò rất quan trọng. Nhưng để thích ứng an toàn với COVID-19 thì dù tiêm đủ liều cũng không thể chủ quan, lơ là với dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Thuốc, vaccine sẽ giúp Việt Nam tự tin hơn

Chúng tôi mong là Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép DN được sản xuất thuốc chống COVID-19. Tôi được biết là nhiều DN đã bày tỏ mong muốn được cung cấp thuốc chống COVID-19, cũng như sản xuất vaccine phòng COVID-19 nội địa. Khi có thuốc và vaccine trong nước, chúng ta sẽ tự tin trong việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng DN hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các DN cần tiếp tục được miễn, giảm thuế, phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ trong việc huy động vốn lãi suất thấp.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm