TP.HCM quyết trở lại vai trò đầu tàu

Chiều 8-12, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khóa X, các đại biểu đã chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Đây là lần đầu tiên ông Phan Văn Mãi trả lời chất vấn trên cương vị người đứng đầu UBND TP.HCM. Ông được các đại biểu HĐND TP bầu giữ chức vụ này hồi tháng 8.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn các đại biểu.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Kinh tế sụt giảm thấp nhất 35 năm qua

Mở đầu phiên chất vấn, ông Phan Văn Mãi đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022. Theo ông, trong năm nay, TP thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Đặc biệt trong bốn tháng từ ngày 30-5 đến 30-9, toàn bộ hệ thống chính trị tập trung mọi nguồn lực ưu tiên cho phòng chống dịch, lo cho sức khỏe và sinh mạng của người dân, hầu hết hoạt động kinh tế phải tạm dừng, nhịp sống đô thị bị ngưng đọng.

Do đó, việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội do HĐND TP đặt ra từ đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu quan trọng không thể đạt được. Cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 âm 6,78%. “Đây là mức suy giảm tăng trưởng kinh tế TP chưa từng xảy ra trong 35 năm qua” - ông Mãi nói.

Mặc dù vậy, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng nhìn nhận vẫn có nhiều điểm sáng như tổng thu ngân sách ước tính đạt 370.483 tỉ đồng (đạt 101,3% so với dự toán năm); một số ngành, lĩnh vực vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; hoạt động tín dụng, ngân hàng tăng trưởng ổn định... “Để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm đạt được tăng trưởng như trước đại dịch là thách thức bao phủ với kinh tế TP.HCM trong hai năm 2022 và 2023” - ông Mãi nói.

Nhưng với nền tảng hạ tầng kinh tế và lực lượng doanh nghiệp hiện hữu, cùng truyền thống năng động và sáng tạo của TP, ông Mãi tin rằng nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi và có sự hỗ trợ hiệu quả từ trung ương về tài chính, tín dụng, dịch vụ hành chính công và kiểm soát tốt dịch bệnh thì việc phục hồi kinh tế TP.HCM theo chữ V là điều hoàn toàn có thể. “Đây là sự quyết tâm chính trị đưa TP trở lại vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế ở khu vực phía Nam và cả nước” - ông Mãi nói.

 

Tập trung đấu tranh chống tội phạm sau dịch

Trả lời câu hỏi của Thượng tọa Thích Minh Thành về phòng chống tội phạm, ông Phan Văn Mãi cho biết sau dịch, đời sống khó khăn nên tội phạm gia tăng. Từ đó, TP phải tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, băng nhóm, tội phạm công nghệ.

Đối với tội phạm trên không gian mạng, ông Mãi cho biết vừa qua TP.HCM đã xử lý khá nhiều vi phạm nhưng so với mức độ phát sinh, tác động của nó thì xử lý chưa được nhiều. TP.HCM đang kiến nghị với Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng xã hội phải đăng ký tại Việt Nam, có trách nhiệm phối hợp với chúng ta trong quản lý, xử lý các vi phạm hoặc các nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

10 giải pháp để hoàn thành 19 chỉ tiêu

Trong năm 2022, để hoàn thành 19 chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đạt 6%-6,5%, ông Mãi đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh đến việc tập trung kiểm soát dịch bệnh COVID-19, trước mắt sẽ tập trung giám sát và xử lý đối với biến chủng mới Omicron. Bởi theo ông, sự xuất hiện của biến chủng mới này có nguy cơ đe dọa thành quả phòng chống dịch của TP.HCM.

Cùng với đó, TP.HCM sẽ nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp.

TP.HCM cũng sẽ phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên; hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội...

Ông Mãi cũng cho biết trong năm sau, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng, hoàn thành một số công trình, dự án trọng điểm như đề án phát triển TP trở thành trung tâm tài chính quốc tế; triển khai quy hoạch và xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông.

Đối với hạ tầng giao thông, TP.HCM sẽ tập trung triển khai các dự án có tính chất liên vùng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 3 và 4, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành... Với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, ông Mãi cho biết sẽ khánh thành trong thời gian sớm; tiếp tục đàm phán, triển khai các tuyến metro số 2 và số 3.

Tháo gỡ điểm nghẽn cải cách hành chính

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu về y tế, ông Phan Văn Mãi cho biết vừa qua, UBND TP.HCM đã làm việc với bộ trưởng Bộ Y tế và thống nhất triển khai đề án thí điểm, xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. “Với đề án này, TP.HCM sẽ giải quyết được vấn đề mà nhiều người quan tâm là nhân sự của các trạm y tế chưa đáp ứng được quy mô dân số trong điều kiện dịch bệnh bùng phát” - ông nói.

Theo đó, ngoài trạm y tế cơ hữu, TP.HCM sẽ huy động các đơn vị tư nhân, lực lượng nhân viên y tế nghỉ hưu… để đảm bảo vận hành ngay các trạm y tế lưu động. Như vậy, ở các xã, phường có dân số đông có thể có nhiều trạm y tế lưu động để đáp ứng công tác phòng chống dịch.

Trả lời về vấn đề cải cách hành chính, ông Mãi cho rằng đây là vấn đề của TP.HCM, nếu tháo gỡ được thì sẽ thúc đẩy phát triển.

Ông cho biết thời gian qua, TP.HCM có kế hoạch cải cách hành chính rất cụ thể, cơ chế phối hợp rõ ràng nhưng quá trình thực hiện chưa đạt như yêu cầu. “Vấn đề là phải tiếp tục giữ nguyên kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện, có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thưởng phạt” - ông Mãi nói và cho biết sẽ tiếp thu để thực hiện tốt hơn. Trong đó sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, không bị bỏ sót, bỏ lọt các vụ việc lâu ngày.•

 

TP.HCM quyết trở lại vai trò đầu tàu ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú chất vấn chủ tịch TP.HCM vào chiều 8-12.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Hỗ trợ doanh nghiệp, lo an sinh cho người dân

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú về hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã vận dụng các chính sách của trung ương và TP để hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường...

Nhưng người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng khó khăn về nguồn lao động là rất lớn. Vì vậy, UBND TP đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp và các tỉnh, thành nơi có đông người lao động rời TP trở về quê khi giãn cách. Từ đó, TP tổ chức tiêm vaccine, hỗ trợ chỗ ở, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ việc làm rất tích cực cho người lao động.

Liên quan đến an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú cho rằng vẫn còn những việc chưa được tròn trịa, có những gói hỗ trợ chưa được thực hiện như mong muốn.

Về việc này, ông Phan Văn Mãi cho rằng công tác an sinh xã hội đã “làm rất nhiều nhưng đến giờ này vẫn chưa tròn với bà con”.

Theo ông, từ lần đầu thực hiện giãn cách, đời sống bà con rất khó khăn. TP.HCM gần như đi đầu, sớm có chính sách hỗ trợ bà con gặp khó khăn. Nhưng đến giai đoạn cao điểm của dịch thì lượng người gặp khó khăn rất nhiều. “Lúc này chúng ta bị động, lúng túng, ban hành chính sách với quy trình thực hiện xác định đối tượng, hình thức và mức hỗ trợ chưa chặt chẽ, cho nên chính quyền gặp khó khăn” - ông Mãi nói.

Cũng theo ông Mãi, đến nay chính sách an sinh còn nhiều thắc mắc bởi người đã nhận, người chưa; nơi phát tiền theo hộ, nơi phát theo từng người. Có địa phương hỗ trợ 1,5 triệu đồng, song có nơi phát 1 triệu đồng kèm 500.000 đồng quà tặng...

Chính vì vậy, ông khẳng định thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục bố trí đủ nguồn ngân sách; các địa phương tiếp tục rà soát danh sách để tiếp tục cấp phát cho bà con, đảm bảo được những trường hợp thực sự khó khăn sẽ được tiếp nhận các gói an sinh xã hội. Hiện nay có hơn 1 triệu người chưa nhận được gói hỗ trợ lần ba. “Chúng tôi nghĩ mức hỗ trợ này cũng chỉ phần nào thôi chứ chưa nhiều nhưng là tình cảm, tấm lòng, sự chăm lo của TP đối với bà con” - ông Mãi trăn trở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm