Theo nhận định của FiinRatings, trong các tháng cuối năm, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải đối mặt với áp lực thanh toán gốc và lãi cho trái phiếu đến kỳ đáo hạn.
Theo đó, quý IV năm nay là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65.500 tỉ đồng (không gồm các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm bất động sản.
Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn. Điều này kéo theo tình trạng số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.
Tính đến ngày 3-10, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.
VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này là khoảng 176.100 tỉ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.
Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Trong bối cảnh đó, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra sôi động trong quý III.
Bởi tính đến ngày 3-10 đã có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỉ đồng.
Một số tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với lượng trái phiếu có giá trị lớn trong 3 tháng gần đây như Tập đoàn Sovico đã đạt được thỏa thuận gia hạn sáu lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 7.000 tỉ đồng; Tập Đoàn R&H gia hạn hai lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 5.000 tỉ đồng; CTCP Sovico gia hạn năm lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 5.000 tỉ đồng; Công ty Hưng Thịnh Land gia hạn hai lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 3.300 tỉ đồng; Công ty dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn gia hạn hai lô trái phiếu có tổng giá trị là 4.000 tỉ đồng… Tất cả những lô trái phiếu này đều được gia hạn thêm hai năm nữa.
Nhờ vậy, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong những tháng còn lại của năm nay còn khoảng hơn 53.757 tỉ đồng, giảm 26,4% so với quý III.
Trong đó, nhóm trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất chiếm gần 44,2% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong mùa cuối năm. Tiếp đến, là nhóm tài chính – ngân hàng với tỉ lệ chiếm 39,5% tổng giá trị đáo hạn.
"Mặc dù áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ giảm vào giai đoạn cuối năm nay và quý I-2024 nhưng sau đó sẽ tăng mạnh trở lại vào quý II năm sau", VNDirect cho biết.