Chiều 17-10, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị thương hiệu 2023, sự kiện thường niên do Forber Việt Nam tổ chức với chủ đề: Từ sáng tạo đến trường tồn.
Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch PHC Media, đối tác nhượng quyền thương mại của Forbes tại Việt Nam chia sẻ: Năm 2023, kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, tốc độ phát triển kinh tế giảm tốc, vòng quay hàng hóa chậm lại khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể hiện nay, bối cảnh không gian số ngày càng mở rộng, người tiêu dùng nhất là thế hệ gen Z (1995- 2012) đang sống, làm việc và giải trí trong một xã hội siêu kết nối, họ tương tác nhiều trên môi trường trực tuyến, đề cao sự tiện dụng và cá nhân hóa trải nghiệm.
Chính vì thế, các doanh nghiệp cần phải trả lời được câu hỏi cần chuẩn bị gì và chuẩn bị thế nào để đón đầu sự phục hồi kinh tế sắp tới.
Làm bạn với khách hàng trong thời đại số
Bà Berina Tanovic, Giám đốc kinh doanh từ Rakuten Viber cho biết, hiện nay 71% dân số Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin mỗi ngày. Chính vì thế các thương hiệu có thể tận dụng điều này để tiếp cận khách hàng, cũng như khám phá cơ hội mà chúng ta chưa từng hoặc chưa thử khai phá.
Theo vị giám đốc kinh doanh này, các doanh nghiệp có thể sử dụng ứng dụng nhắn tin để đóng vai trò như một người bạn đồng hành, sử dụng các ngôn ngữ thân thiện như dán nhãn, biểu cảm, âm thanh… để tạo ra sự thân thiện, kéo dài sự trung thành của khách hàng với thương hiệu.
Ông Nguyễn Kỳ Thanh, Giám đốc Marketing OneMount & giám đốc Thương hiệu Techcombank cũng cho rằng, trong bối cảnh không chỉ người tiêu dùng mà doanh nghiệp đều thắt chặt hầu bao, thì điều cốt lõi là tìm cách gắn kết khoảng cách giữa thương hiệu và khách hàng. “Doanh nghiệp phải mang lại cho khách hàng cảm giác mua hàng liền mạch, chứ không đơn thuần là một cuộc giao dịch mua bán”.
Doanh nghiệp muốn thành công, phải linh hoạt biến hóa
Chia sẻ tại hội nghị, nghệ sĩ Chi Pu, một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật lẫn kinh doanh, cũng nhìn nhận vai trò quan trọng của sự kết nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Dẫu vậy, theo Chi Pu, không phải lúc nào có thương hiệu là có chiến thắng.
“Có thể nói, tôi cũng là một thương hiệu, thương hiệu Chi Pu. Nhưng khi áp dụng vào kinh doanh tôi đã thất bại hai lần. Lần 1 là thương hiệu thời trang đã phải đóng cửa sau 3 năm ra mắt, vì tôi chỉ tập trung vào sự sáng tạo mà quên đi các yếu tố cần có để vận hành doanh nghiệp.
Lần 2 là cách đây 2 năm, với thương hiệu mỹ phẩm, dựa vào tên tuổi của mình, tôi tự tin với dự án. Nhưng sự nóng vội trong việc không tìm hiểu kỹ về đối tác, đã khiến cho quá trình kinh doanh xảy ra nhiều khác biệt. Chỉ sau 1 năm ra mắt, tôi đóng cửa thương hiệu này. Sau hai lần thất bại, tôi tích lũy nhiều bài học cho mình về cách xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp.
Lần 3, sau khi kết thúc một chương trình thực tế ở Trung Quốc vào giữa năm nay, đầu tháng 10 tôi và cộng sự đã tận dụng sức nóng của mình, để mở một thương hiệu phở Việt, hương vị chuẩn miền Bắc, tại TP Thượng Hải - Trung Quốc, chỉ sau 4 tháng ấp ủ. Có được điều này là cả một quá trình tôi "chăm sóc" bạn bè quốc tế, từ việc giới thiệu họ về hình ảnh Việt Nam qua món ăn, trang phục tới lời các vé mời miễn phí du lịch Việt Nam, để họ hiểu và dần thẩm thấu về đất nước con người Việt Nam”- Chi Pu nói.
Với dự án thứ 3, cô tự tin sẽ tiếp tục mở rộng thương hiệu ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc để lan tỏa thương hiệu Việt và khẳng định hình ảnh Việt Nam tại đất nước tỷ dân.
Với những bài học thất bại và thành công, theo Chi Pu, khi bắt đầu một chiến dịch, doanh nghiệp cần tìm ra điểm chung giữa nhãn hàng, nghệ sĩ và người tiêu dùng thì chiến dịch mới hiệu quả, phải biến tấu linh hoạt, nắm bắt thời cơ và tích lũy kinh nghiệm.
Ở góc độ phát triển thương hiệu, ông Hoàng Tiến Giao, Phó giám đốc điều hành T& A Ogilvy Việt Nam cho rằng, trước biến động của kinh tế, khiến nguồn thu và chi bị thu hẹp, doanh nghiệp nên ưu tiên phát triển con người, nâng cao sự chuyên môn hóa. Doanh nghiệp phải tự biến mình thành một nhà sáng tạo nội dung, để chung tiếng nói với người tiêu dùng.