Doanh nghiệp muốn xây dựng trung tâm logistics rộng 100 ha xuyên biên giới

(PLO)- Doanh nghiệp kiến nghị tỉnh Kon Tum gợi ý khu đất khoảng 100 hecta để có thể xây dựng bãi hạ tải, trung tâm logistics xuyên biên giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 4-4, trong khuôn khổ hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với năm tỉnh vùng Tây năm 2023, kế hoạch triển khai hợp tác năm 2024, UBND TP.HCM phối hợp với tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024.

doanh-nghiep-3.JPG
Lãnh đạo TP.HCM và năm tỉnh vùng Tây Nguyên chủ trì hội nghị hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung

Trao đổi với lãnh đạo các tỉnh, thành, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, khẳng định TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn và đầu mối xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên là vựa nông sản và là vùng nguyên liệu quan trọng.

"Tuy nhiên, việc kết nối, liên kết và hợp tác trong lĩnh vực lương thực thực phẩm chưa thực sự căn cơ, chưa đi theo hướng có chiều sâu và chưa phát huy hết các tiềm năng vốn có"- bà Chi đánh giá.

doanh-nghiep-2.JPG
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, góp ý tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Chi đề xuất TP.HCM và các địa phương chủ động đứng ra làm đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của địa phương, định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường,... để tạo thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương.

Còn ông Đặng Đình Long, đại diện Công ty CP Đầu tư thương mại Megaa, mong lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, đặc biệt là về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

doanh-nghiep-4.JPG
Ông Đặng Đình Long, đại diện doanh nghiệp, góp ý tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông, cần đến tận nơi trồng nông sản, cơ sở chế biến để xem nông dân trồng gì, làm gì, diện tích bao nhiêu,... để cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói từ đó tạo minh bạch trong sản xuất và an toàn thực phẩm.

"Đây cũng là 'hàng rào' thương mại, kỹ thuật mà thị trường thế giới đặt ra. Khi thị trường đã đặt ra 'hàng rào' mà ta không lấy đó làm mối lo thì vẫn sẽ còn xảy ra tình trạng ở đâu đó cần giải cứu nông sản. Đây là việc vô cùng cấp thiết"- ông Long nêu thực tế.

doanh-nghiep-5.JPG
Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với doanh nghiệp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cạnh đó, ông Long đề xuất tỉnh Kon Tum xây dựng trung tâm logistics xuyên biên giới gần cửa khẩu Bờ Y. Theo ông, lượng hàng hoá từ Lào qua cửa khẩu này rất lớn, việc hình thành trung tâm logistics, có bãi hạ tải và khu trung chuyển cho sản phẩm từ nước bạn cần mượn đường đến cửa khẩu đường biển ở Đà Nẵng, Quy Nhơn là việc cấp thiết.

“Để tiết kiệm chi phí, thời gian thì hầu hết các xe trung chuyển đều quá tải, mà nếu xe quá tải chạy qua nước ta thì sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, nên việc làm bãi hạ tải là cần thiết”- ông Long lý giải.

Do đó, ông Long kiến nghị tỉnh Kon Tum gợi ý khu đất khoảng 100 hecta để có thể xây dựng bãi hạ tải, trung tâm logistics để doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện dự án.

Mời gọi đầu tư vào 558 dự án ở vùng Tây Nguyên

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, sự phát triển của TP.HCM luôn song hành và gắn liền với sự phát triển của địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên.

doanh-nghiep-1.JPG
Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông thông tin, thời gian qua TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau, dựa trên việc khai thác thế mạnh của từng địa phương.

"Chương trình hợp tác phát triển của TP.HCM với vùng Tây Nguyên đã có những tác động mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh dòng lưu chuyển hàng hoá và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân TP.HCM và cả vùng này"- ông Hoan nhận xét.

doanh nghiệp
Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi với doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trên cơ sở đó, TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên tiếp tục tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 nhằm mời gọi các nhà đầu tư vào 558 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể như hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế,...

Đặc biệt là mời gọi đầu tư vào một số dự án trọng điểm như cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng); dự án Khu đô thị mới tổ 1, phường Nghĩa Đức (Đắk Nông); Nhà máy xử lý chất thải rắn (Đắk Lắk); dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (Gia Lai) và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm bùn, suối khoáng, thác Đắk Lung (Kon Tum).

TP.HCM sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp đến 5 tỉnh Tây Nguyên khảo sát

Để hiện thực hoá các kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các đoàn doanh nghiệp cụ thể theo ngành, lĩnh vực đến với các tỉnh vùng Tây Nguyên để xem xét thực tiễn, khảo sát.

Đồng thời trao đổi với tỉnh để xem có thực hiện dự án nào, hoặc tìm ra cơ hội đầu tư, dự án đầu tư mới để giới thiệu cho các đối tác của TP.HCM.

Ông Hoan cũng đề nghị các đơn vị của TP bổ sung tài liệu về các dự án đầu tư ở vùng Tây Nguyên để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư tại TP.HCM.

"Có những dự án TP.HCM không thể đáp ứng được thì phải tranh thủ giới thiệu cho năm tỉnh Tây Nguyên, phải quan tâm lợi ích cả vùng, đầu tư cho các tỉnh cũng là đầu tư cho sự tăng trưởng, phát triển của TP.HCM"- ông Hoan khẳng định.

Cạnh đó, ông Hoan nhìn nhận dù TP.HCM là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhưng chưa thể vận dụng hết đội ngũ tri thức trong việc nghiên cứu khoa học phát triển vùng nguyên liệu.

Do đó, ông Hoan đề nghị Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) rà soát phối hợp với năm tỉnh xem cần nghiên cứu gì và đặt hàng các trường đại học tại TP thực hiện và đưa ra kết quả cụ thể.

Theo ông Võ Văn Hoan, hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024 không giải quyết được bài toán mang tầm chiến lược, tầm xa, nhưng hội nghị là 'cầu nối' để TP.HCM và các tỉnh gợi mở ra nhiều vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm