Ngày 30-11, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Quỹ Hanns Seidel tổ chức Hội nghị khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Các xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
TS Võ Trí Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM |
TS Võ Trí Thành, Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chia sẻ một số nhận định, đánh giá về các xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế. Trong đó ông nhấn mạnh xu thế thúc đẩy thương mại gắn với phát triển xanh, bền vững và thông minh, cũng như quá trình tái cơ cấu và dịch chuyển chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Theo ông Thành, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cần sớm nhận thức, định vị được các lợi thế của mình, bắt kịp xu thế và tăng tính kết nối.
“Tôi nghĩ ĐBSCL phải khát vọng hơn rất nhiều. Tâm thế, vị thế của ĐBSCL cao hơn rất nhiều cái chúng ta đang có. Đi đàm phán, các nước đều coi Việt Nam là một quốc gia hùng mạnh về nông nghiệp. ĐBSCL là vựa lúa, đảm bảo về an ninh lương thực, trái cây, chưa kể thủy sản…
Tôi rất mong muốn ĐBSCL là một trong những vùng thực hiện tốt nhất chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Một cái nữa, cao tốc kết nối xuyên quốc gia; Cần Thơ là trung tâm logistic lớn nhất khu vực thế giới chứ không phải ĐBSCL” – TS Thành chia sẻ.
Các diễn giả tại hội nghị do Bộ Ngoại giao tổ chức. Ảnh: NHẪN NAM |
Trả lời câu hỏi lý do cốt lõi ĐBSCL chưa phát triển như mong muốn, TS Thành cho rằng là “hơi chậm về phát triển hạ tầng cho ĐBSCL, cả nước đã chậm nhưng ĐBSCL còn chậm hơn”, cạnh đó là việc “khá loay hoay ở bài toán an ninh lương thực”. Ông Thành cho rằng vấn đề an ninh lương thực quan tâm là đúng nhưng đừng lo ngại quá. Cùng với đó là chậm chuyển đổi thích ứng với biến đổi khí hậu nên “đâu đó vuột cơ hội”.
Ông John Rockhold – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến năng lượng xanh (gió, mặt trời), các sản phẩm liên quan nông – lâm - thủy sản, hệ thống cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL.
Ông mong rằng sẽ có thêm những hội nghị có AmCham tham gia nhiều hơn để tăng cường kết nối giúp hiểu nhau hơn. Trong năm 2023, AmCham sẽ có một hội thảo với các lãnh đạo ĐBSCL để xem dự án nào cần đầu tư và dòng vốn ra sao. Hy vọng qua đó, sẽ có nhiều doanh nghiệp của Mỹ đầu tư vào khu vực này.