Theo thông tin tại hội nghị giao ban cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 của 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ vừa diễn ra, chín tháng đầu năm 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trên toàn quốc nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ còn diễn biến phức tạp.
Tại thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm về sở hữu trí tuệ... ngày càng nhiều. Các lĩnh vực vi phạm gồm xăng dầu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Lãnh đạo Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) cho biết nhiều doanh nghiệp của hội đang gặp phải vấn nạn nhức nhối là mỹ phẩm bị làm giả, nhái. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng bị các đối tượng làm giả, nhái hàng để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Asean.
Từ đầu năm đến nay, mỹ phẩm giả, nhái tiêu thụ trong nước đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng hơn 10 tỉ đồng. Hàng hàng giả, hàng nhái gây mất lòng tin với người tiêu dùng là thiệt hại lớn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch VOCA, cho biết hiện nay các tỉnh Quảng Đông, Quảng Châu tốn vài trăm ngàn USD mỗi tháng cho công tác xúc tiến thương mại hàng hóa, mỹ phẩm qua livestream.
"Chúng tôi lo sắp tới mỹ phẩm, dược liệu Trung Quốc sẽ ào ạt vào Việt Nam, nhất là qua kênh online, livestream. Đáng chú ý, số liệu cho thấy người Việt chi hàng ngàn tỉ đồng mua sắm qua online, trong đó mỹ phẩm chiếm tỉ lệ cao nhất" - ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam vừa chống chọi với mỹ phẩm giả, nhái vừa đối mặt nguy cơ mất thị trường trước làn sóng mỹ phẩm, dược liệu Trung Quốc ở kênh online.
“Để công tác chống mỹ phẩm nhái, giả hiệu quả, bên cạnh tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp mỹ phẩm thì vai trò của người tiêu dùng cũng không kém phần quan trọng” - ông Minh nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cho biết, mới đây công ty nhận được yêu cầu của Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa phối hợp xác định hàng giả do lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ tại nhiều địa điểm kinh doanh ở Nha Trang với hàng trăm chai nước hoa.
“Chúng tôi đã xác định toàn bộ sản phẩm nước hoa loại 50ml/hộp bị lực lượng chức năng tạm giữ là giả mạo nhãn hàng hóa, thậm chí có sản phẩm công ty chưa sản xuất ra thị trường vẫn bị giả mạo nhãn hiệu ”- đại diện SCC cho hay.
Theo vị này, việc các cửa hàng công khai bán sản phẩm hàng giả ngay thành phố du lịch không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp mà còn gây tác động không tốt đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Mặc dù thời gian qua công ty đã có biện pháp đấu tranh nhưng tình trạng bị làm giả, nhái nhãn hiệu vẫn diễn ra phức tạp.
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chín tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý tổng số 39.017 vụ. Trong đó, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là 1.426 vụ tăng 13,7 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2.854 tỉ đồng.