Ngày 12-7, kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM tiến hành phiên chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Nguyễn Việt Dũng về phát triển KH&CN, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Ngân sách cho sinh viên nghiên cứu eo hẹp
Các đại biểu đã chất vấn xung quanh hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên (SV) vì số lượng, chất lượng đề tài cũng như tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học trong SV còn khiêm tốn, hạn chế. “Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này và giải pháp trọng tâm trong thời gian sắp tới của Sở là gì?” - bà Lê Thị Ngọc Thanh (quận 12) đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, thông tin: Hằng năm Sở đều hỗ trợ cho SV thông qua Trung tâm sáng tạo trẻ của Thành đoàn để thực hiện vườm ươm nghiên cứu khoa học nhưng ngân sách cho SV nghiên cứu còn ít. “Vừa qua đã nâng mức lên 150 triệu đồng, tức khoảng 7.000 USD. Nếu so sánh với thế giới thì số tiền đó là khá tốt, giúp SV hoạt động nghiên cứu tốt hơn” - ông Dũng nói và cho biết sắp tới, hằng năm sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức các cuộc thi để lựa chọn ý tưởng tốt và đưa vào các vườn ươm để họ hoàn thiện các sản phẩm trước khi tiếp cận giai đoạn thứ hai là chương trình start up.
Đại biểu Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) thắc mắc: “Có bao nhiêu đề tài nghiên cứu được ứng dụng và mang lại hiệu quả?”. Ông Dũng cho hay là trong các năm 2016-2018, có trên 300 đề tài đã được nghiệm thu với gần 90% đề tài đã chuyển giao. Trong đó, nhiều nghiên cứu chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và sản xuất, bán đại trà ra thị thường, được công ty thương hiệu lớn đón nhận.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND TP.HCM chiều 12-7. Ảnh: HOÀNG GIANG
Qua đó ông Dũng mong muốn có được những kết quả nghiên cứu tạo đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng thực tế hiện nay thì không đơn giản, do kinh phí nghiên cứu khoa học hằng năm thấp, khoảng 200 tỉ đồng mà quy mô kinh tế TP.HCM là gần 1 triệu tỉ đồng. “Chúng ta thử hình dung, 90% đề tài có ứng dụng nhưng kinh phí nghiên cứu 300 đề tài chỉ khoảng 200 tỉ đồng” - ông Dũng phân tích và lấy dẫn chứng ở Nhật một đề tài của hai giáo sư là 20-30 triệu USD, thực hiện trong ba năm. Tuy nhiên, ông cũng cam kết tiếp tục nỗ lực hơn nữa để kết nối các nhà khoa học, kết nối kết quả nghiên cứu của trường, viện với doanh nghiệp.
Nhiều công ty khởi nghiệp “chết yểu”
Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh dẫn thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường cho thấy nhiều công ty khởi nghiệp không có cơ hội “kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai của mình”. “Với đặc thù của một TP năng động và sáng tạo, chúng ta có những giải pháp gì để hỗ trợ họ vượt qua thử thách khởi nghiệp?” - bà Thanh chất vấn.
Ông Dũng cho rằng việc doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bị thất bại là bình thường. Bởi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có ý tưởng đột phá, có thể thành công hoặc có thể không gặp thời để thành công. “Sở đang thông qua các chương trình huấn luyện về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp có thể lường trước những khó khăn, tính toán kế hoạch chặt chẽ để giảm thiểu khả năng thất bại” - ông Dũng nói.
Kết lại phần chất vấn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phải phát huy, chủ động hơn cho đầu tư KH&CN. “Cần quan tâm vai trò Sở KH&CN như một nhạc trưởng để phát triển KH&CN trên địa bàn TP, phục vụ cho phát triển TP nói chung, cho năng lực cạnh tranh của TP tốt hơn, năng suất lao động cao hơn” - bà Tâm nói.
Băn khoăn tình trạng lừa đảo trong lao động
Chiều cùng ngày, lần đầu tiên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn đăng đàn trả lời chất vấn.
Đặt câu hỏi với sở này, bà Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) băn khoăn trước tình trạng lừa đảo trong lao động việc làm xảy ra nhiều nơi như ở An Sương, Bình Thạnh, Tân Phú... đến nay chưa có giải pháp. “Người lao động (NLĐ) vẫn phải kêu cứu báo chí. Các đơn vị thay đổi địa chỉ đơn vị kinh doanh liên tục, còn NLĐ có nhu cầu tìm việc làm nhưng thiếu thông tin. Chúng ta không thể để cho các đối tượng này lừa đảo NLĐ. Sở LĐ-TB&XH nhận định gì và cần có giải pháp nào để xử lý triệt để tình trạng này?” - bà Trâm chất vấn.
Trả lời, ông Lê Minh Tấn cho biết: TP.HCM có 83 cơ sở dịch vụ giới thiệu việc làm, trong đó 50 cơ sở của TP và 33 chi nhánh. Theo quy định thì 50 cơ sở này có chức năng giới thiệu việc làm trong nước hoặc đi nước ngoài, còn 33 chi nhánh chỉ được tư vấn. “Nhưng hiện nay 33 chi nhánh này lợi dụng chức năng giới thiệu việc làm để thu tiền, đưa người đi nước ngoài” - ông Tấn nói và cho biết Sở cũng đã cho đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, gỡ biển, đồng thời đăng lên cổng thông tin của Sở các cảnh báo cho NLĐ.
Theo ông Tấn, trong các năm 2016-2018, TP.HCM đã đưa gần 1.400 lao động đi nước ngoài. Để hạn chế những cơ sở thu tiền trái phép của NLĐ, Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cũng như đề nghị Sở KH&ĐT rút giấy phép những cơ sở, trung tâm sai phạm.
Ngoài vấn đề trên, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến tình trạng các hộ không muốn thoát nghèo, có cán bộ không báo khai tử để tiếp tục thụ hưởng chính sách người có công. “Vậy TP.HCM có tình trạng này không và có giải pháp nào phòng ngừa?” - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (quận Gò Vấp) hỏi.
Ông Tấn cho hay là hằng năm, Sở và các phòng LĐ-TB&XH quận/huyện có thanh tra, kiểm tra hành chính để ngăn chặn, phòng ngừa. Do vậy những năm gần đây chưa có hiện tượng nào.
Cán bộ phường có nguy cơ bị cận nghèo Mong có chính sách hỗ trợ, quan tâm số cán bộ không chuyên trách ở phường/xã. Vì những cán bộ này thường gắn với 21 chức danh nhưng các anh chị này chỉ được hưởng phụ cấp hằng tháng, không có chế độ nâng theo niên hạn, thu nhập rất thấp. Vì thế rất có nguy cơ rơi vào nhóm đối tượng hộ cận nghèo. ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân, quận Bình Tân, TP.HCM |