Doanh nghiệp thực phẩm sạch chật vật tìm niềm tin của người dùng

(PLO)- Nhiều đơn vị tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch vẫn phải luôn "đánh vật" trước sự nghi ngờ của người tiêu dùng, lẫn sự cạnh tranh về giá cả từ thực phẩm không rõ nguồn gốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 13-10, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) và Câu lạc bộ Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp tại TP.HCM đồng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm”.

Người tiêu dùng còn nghi ngờ về chất lượng thực phẩm

Tại tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư Organica thừa nhận, dù là đơn vị kinh doanh thực phẩm hữu cơ đạt chứng nhận của quốc tế nhưng vẫn luôn phải “đánh vật” với những nghi ngờ của người tiêu dùng (NTD).

“Hơn 10 năm qua chúng tôi vẫn phải luôn đối mặt với các câu hỏi khó của NTD về những chứng nhận lẫn nhãn mác. Suốt thời gian qua, Organica vẫn phải luôn đào tạo nhân viên các kiến thức cũng như thông tin về thực phẩm tại đơn vị để truyền tải và chứng minh tới người dùng rằng thực phẩm luôn minh bạch, luôn đúng tiêu chuẩn và không có sự gian dối”- bà Thảo chia sẻ.

Dưới góc độ NTD, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng hội quán các bà mẹ cho biết bản thân luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm rau quả trên thị trường, kể cả những chứng nhận VietGAP và thực phẩm trong các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

“Không đặt nặng các chứng nhận nhưng thông tin thực phẩm phải có sự minh bạch về quá trình chăm sóc, trồng trọt"- bà Thúy nói.

Ở phương diện quản lý chợ, ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc Công ty quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trăn trở, bất cứ nông sản nào khi về chợ cũng lấy mẫu ngẫu nhiên liên tục để kiểm soát các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Đồng thời, ban quản lý và thương nhân cũng ghi chép đầy đủ về nguồn gốc, số lượng, đơn vị phân phối.

"Tuy nhiên, thực phẩm sau khi ra khỏi chợ, việc tiểu thương đánh tráo nguồn gốc hay chất lượng sản phẩm, chúng tôi không thể can thiệp được”- ông Phương nói.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến lòng tin của NTD đối với sản phẩm.

Doanh nghiệp vẫn luôn chật vật tìm niềm tin từ người tiêu dùng. ẢNH: THU HÀ

Doanh nghiệp vẫn luôn chật vật tìm niềm tin từ người tiêu dùng. ẢNH: THU HÀ

Cần nhiều cơ chế đưa thực phẩm sạch, minh bạch tới người tiêu dùng

Cũng là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch, minh bạch, ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó Tổng giám đốc khối Kinh Doanh Quốc Tế, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) cho biết, hiện tại những sản phẩm của G.C Food vẫn chưa được biết đến rộng rãi, chỉ phục vụ cho một số khách hàng nhất định, có tìm hiểu về thực phẩm sạch, và tin tưởng sử dụng.

“Sản phẩm của chúng tôi vẫn chưa có mặt ở các siêu thị, lý do là những sản phẩm sản xuất đảm bảo sạch, minh bạch thì quy trình sản xuất phức tạp hơn, sản lượng không cao. Do đó, giá sẽ cao hơn nhiều so với các sản phẩm tương tự ngoài thị trường”- ông Pháp chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch AFT cũng cho biết hiện nay các sản phẩm minh bạch vẫn đang chiếm tỉ trọng nhỏ trên thị trường bên cạnh núi rau không rõ về nguồn gốc.

“Điều này khiến các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch gần như thất thế trước thực phẩm không rõ ràng về nguồn gốc. Do đó, để người dân có thể tiếp cận được thực phẩm sạch, an toàn thì cần nhiều sự hỗ trợ của nhà nước, các cơ chế hỗ trợ về vốn, chính sách cho doanh nghiệp để họ đưa sản phẩm đến hội chợ thương mại, từ đó tiếp cận người dùng rộng rãi hơn" - bà Minh nhấn mạnh.

Cũng theo bà Minh, trong thời gian gần đây, dư luận vẫn râm ran về thông tin rau không rõ nguồn gốc biến hình thành rau chuẩn VietGAP vào siêu thị. Điều này cũng đến từ những lỗ hổng trong công tác kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thực phẩm.

Thứ nhất, theo bà Minh hiện nay, luật không không bắt buộc rau tươi phải có nhãn mác. "Đây là điểm khó cho các chợ đầu mối, vì có muốn cũng không làm được"- bà Minh cho hay.

Thứ hai, vấn đề truy xuất nguồn gốc hiện không bắt buộc, chỉ khi xảy ra sự cố mới bắt đầu truy xuất.

Thứ ba là thiếu sự chuẩn hóa đầu vào ở ngay tại nguồn từ nguồn gốc, bao bì đến vận chuyển, bảo quản…

"Nếu làm tốt các vấn đề trên thì lòng tin của người tiêu dùng sẽ nâng cao rất nhiều"- bà Minh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm