Doanh nghiệp thủy sản bất mãn vì không được hỗ trợ tiền điện

Ngày 22-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, doanh nghiệp (DN) về việc tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, ước tính tổng sản lượng khai thác thủy sản biển đạt 2,9 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 những tháng vừa qua, hoạt động khai thác của nhiều địa phương bị đình trệ. Theo thống kê, số lượng tàu cá ngừng khai thác chỉ tính trong các tháng 7, tháng 8 và tháng 9 là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác.

Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến về việc tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: AN HIỀN

Dịch COVID-19 cũng khiến nhiều cảng cá phải đóng cửa. Đến ngày 16-10, vẫn còn 4 cảng cá tạm dừng hoạt động để phòng chống COVID-19, bao gồm tại các tỉnh: Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cùng với tác động của dịch COVID-19, số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá càng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản ở nhiều địa phương. Số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm mũi 1 vaccine phòng chống COVID-19 còn thấp, ước đạt khoảng 25%.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, ngành khai thác thủy sản cần ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho các lao động, ngư dân làm việc trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản để duy trì hoạt động sản xuất trên biển.

Ông Nguyễn Hưng, đại diện Công ty Nguyễn Hưng Phú Yên, nhấn mạnh nên sớm tiêm vaccine cho đội ngũ ngư dân đánh bắt xa bờ, tại các điểm thu mua, phục vụ hậu cần. Bởi trong chuỗi này chỉ cần một ca F0 thì cả chuỗi bị gãy.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng chia sẻ các DN chế biến thủy sản hiện đang rất khó khăn. Nhà nước đã có nhiều chính sách tiếp sức nhưng việc thực hiện chưa nhanh. Đơn cử như chính sách của ngành công đoàn hỗ trợ 1 triệu đồng/lần/người lao động đang sản xuất "3 tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến".

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Ảnh: TÙNG ĐINH

Tuy nhiên DN, người lao động muốn được hưởng chính sách hỗ trợ này phải đáp ứng điều kiện là nhà máy phải nằm ở địa phương áp dụng Chỉ thị 16 toàn tỉnh, nếu chỉ áp dụng 1-2 xã vùng xanh thì không được.

"Điều kiện này thực sự rất khắt khe vì rất ít tỉnh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn tỉnh trong cùng một thời điểm"- Ông Nam nêu thực tế.

Đặc biệt, theo đại diện VASEP, trong tháng 8-2021, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đợt 5. Trong đó, DN chế biến thủy sản, rau quả tại các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 được giảm 10% tiền điện trên hóa đơn trong ba tháng.

Thế nhưng, đến nay, DN tại ít nhất năm tỉnh gồm An Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa không được nhận hỗ trợ này cũng với lý do là phải áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh.

"Nghị quyết của Chính phủ không có chữ toàn tỉnh, công văn hướng dẫn của Bộ Công Thương cũng không có chữ toàn tỉnh, nhưng điện lực và sở Công Thương lại gắn thêm vào chữ phải áp dụng Chỉ thị 16 toàn tỉnh thì mới được hưởng giảm 10% tiền điện. Cộng đồng doanh nghiệp có nhiều thứ phải lo, trong bối cảnh này, điều đó tạo nên sự bất mãn" - ông Nam chia sẻ.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá khai thác thủy sản những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do vừa phải đảm bảo khai thác an toàn trong dịch bệnh và vừa ứng phó mưa bão. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn cũng có thuận lợi là nhu cầu nguồn cung cuối năm đang tăng lên để chuẩn bị cho Noel và Tết dương lịch.

“Bộ đã chỉ đạo các cơ sở khắc phục ngay tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng để  sản xuất đảm bảo được các chỉ tiêu về sản lượng và xuất khẩu” - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm