Doanh nghiệp vận tải muốn gia hạn thời gian lắp camera

Theo Nghị định 10/2020 và Thông tư 12 của Bộ GTVT, chỉ còn hơn một tháng nữa (ngày 1-7) quy định về việc lắp camera trên xe kinh doanh vận tải (KDVT) chính thức được áp dụng. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp vận tải (DNVT) vẫn chưa có kinh phí để thực hiện. Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các DNVT lao đao suốt từ đầu năm 2020 đến nay.

Chưa có nhiều doanh nghiệp lắp camera

Theo khảo sát của PV, hiện nay chỉ một số ít DNVT (chủ yếu là DNVT hàng hóa) đã triển khai việc lắp đặt camera giám sát hành trình. Nhiều DNVT mới chỉ liên hệ tìm hiểu chi phí và vẫn trong trạng thái chờ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) gia hạn thêm thời gian.

Giám đốc một DNVT hành khách tại Hà Tĩnh (có xe khách đi Hà Nội và TP.HCM) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng xe hoạt động rất ít, chủ yếu là nằm bãi, không có hành khách đi lại. Xe hoạt động chủ yếu là vay vốn từ ngân hàng nên số kinh phí để lắp camera cũng đang gặp khó khăn”.

Ông Trần Phú, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thành Công, chia sẻ: Trên tinh thần DN vẫn chấp hành quy định của ngành chức năng. DN cũng liên hệ với nhiều đối tác lắp đặt camera trên thị trường. Theo đó, chi phí lắp camera khoảng 8 triệu
đồng/xe, công ty có khoảng 120 xe, phí lắp đặt sẽ trên 960 triệu đồng. “Với tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp hiện nay thì khoản phí này đối với DNVT là quá lớn” - ông Phú nói.

Theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12 của Bộ GTVT, từ ngày 1-7, các DNVT phải lắp camera giám sát hành trình. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Phú cho biết từ năm 2012 đến nay, DNVT đã lắp đặp camera có chức năng chụp ảnh nhằm phục vụ mục đích quản lý thiết thực của DN. Nếu lắp thêm camera theo quy định của cơ quan chức năng thì ngoài chi phí lắp đặt, duy trì hằng tháng, DN phải “gồng” thêm bộ máy nhân sự cho mục đích kiểm tra dữ liệu (video).

“Chúng tôi vẫn mong cơ quan chức năng xem xét lùi thời hạn lắp đặt camera trên xe để hỗ trợ các DNVT qua mùa dịch COVID-19” - ông Phú kỳ vọng.

Theo tìm hiểu của PV, vẫn có một số DN có nhu cầu lắp camera nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động vận tải của đơn vị.

Ghi nhận tại khu vực Bến xe Miền Tây, một số xe khách đã lắp camera để giám sát các hành vi của tài xế và hành khách. Đơn vị quản lý của bến xe này cũng thường xuyên thông báo và nhắc nhở các DNVT lắp camera khi thời hạn sắp tới.

Ông Lê Anh Điệp, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại cơ khí Tân Thanh, cho biết: “Nếu Nhà nước không quy định, công ty cũng có nhu cầu lắp camera để kiểm soát công việc của nhân viên. Công ty cũng gặp khó khăn do dịch nhưng may mắn chúng tôi vẫn có các đơn hàng và chưa phải ngưng hoạt động xe nào”.

Tiếp tục đề xuất

ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết: “Số liệu mà chúng tôi ghi nhận được thì chỉ mới có một số ít xe của DN/HTX lớn trong khối vận tải hành khách đã gắn camera (khoảng chừng 100 xe). Tuy nhiên, các DN này gắn camera là do yêu cầu cần quản lý chứ không phải theo yêu cầu của Nghị định 10/2020 và Thông tư 12 của Bộ GTVT”.

Trước đó, tháng 9-2020, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị và nêu ra một số bất cập trong việc áp dụng Nghị định 10 và Thông tư 12. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ vẫn quyết định áp dụng lắp camera trên xe KDVT từ 1-7-2021. 

Ông Tính nói thêm: Đến nay, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư lại càng khốc liệt hơn và chưa biết khi nào có thể chấm dứt. Trong khi khối vận tải nói chung, vận tải hành khách và du lịch nói riêng cũng như vận tải hành khách liên vận đang trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều phương tiện của các DN ngừng hoạt động dài ngày, doanh thu không đủ duy trì bộ máy hoạt động. Trong khi đó, chi phí lắp camera rất lớn, mỗi camera khoảng 8 đến 10 triệu đồng/xe, kèm theo chi phí phục vụ truyền dẫn khoảng 120.000 đồng/xe/tháng nên nhiều DN khó sắp xếp kinh phí để lắp đặt camera theo quy định.

“Hiệp hội chúng tôi tiếp tục một lần nữa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét cho đẩy lùi thời gian lắp đặt camera đến ngày 1-7-2023 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khối DN/HTX có thể phục hồi sau đại dịch COVID-19” - ông Tính nhấn mạnh.

Về vấn đề trên, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Giai đoạn này ngành vận tải đang gặp khó khăn. Không chỉ riêng vấn đề lắp camera, sở cũng ghi nhận một số khó khăn của các DN như giãn nợ gốc lãi vay, nợ gốc đầu tư xe, xem xét về phí ra/vào bến… Theo đó, sở sẽ tiếp tục thu thập thông tin để trình lên UBND TP. Trong đó, Sở KH&ĐT sẽ là đơn vị báo cáo trực tiếp với UBND TP” - ông Hải cho hay.•


Xe không lắp camera bị xử phạt lên đến 12 triệu đồng

Theo Nghị định 10/2020 và Thông tư 12 của Bộ GTVT, trước ngày 1-7-2021 các xe KDVT có sức chứa từ chín chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và các xe KDVT bằng container, xe đầu kéo, đều phải lắp camera lưu trữ hình ảnh. Đồng thời, truyền về cho Tổng cục Đường bộ và cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép đảm bảo giám sát công khai, minh bạch.

Về hình thức xử phạt vi phạm đối với DNVT không lắp camera giám sát hành trình được quy định tại Nghị định 100/2019.

Cụ thể, đối với tài xế điều khiển ô tô KDVT hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Đối với cá nhân đăng ký KDVT mà không lắp camera trên xe theo quy định, phạt tiền 5-6 triệu đồng; phạt 10-12 triệu đồng đối với tổ chức KDVT, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng ô tô KDVT không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định…

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên ô tô theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm