Doanh nhân Việt kiều và trách nhiệm quê hương

 “Cho dù tôi hay mọi người ở khắp nơi trên thế giới hay ngay tại Việt Nam thì đều mong muốn được cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho đất nước mình…” - ông David Dương mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam.

. Phóng viên: Có người nói rằng khi đi xa, cho dù bôn ba mưu sinh ở bất kỳ đâu, người ta vẫn nhớ, lòng vẫn hướng về quê hương đất nước, về nơi mình được sinh ra. Và bằng cách này hay cách khác họ sẽ cố gắng đóng góp để phát triển đất nước. Là một doanh nhân Việt kiều, cá nhân ông cảm nhận thế nào?

+ Ông David Dương: Tôi nghĩ rằng câu nói này rất đúng về niềm khát khao được đóng góp một cái gì đó cho quê hương Việt Nam. Không chỉ của riêng tôi mà tôi tin rằng rất nhiều người gốc Việt đang định cư trên toàn thế giới đều có mong muốn như vậy. Bản chất của người Việt Nam mình vốn rất yêu quê hương, luôn hướng về đất nước.

Tôi rất tự hào vì mình là một trong những người gốc Việt đầu tiên làm về thu gom và tái chế rác ở Mỹ. Công việc của mình không chỉ tạo ra việc làm cho vài trăm công nhân viên nước sở tại mà còn góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Tôi luôn ao ước có thể cống hiến những thành quả như vậy tại Việt Nam. Và tôi đang làm theo nguyện vọng của đấng sinh thành là thành lập Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam. Mỗi ngày, công ty tôi nhận xử lý 3.000 tấn rác. Khi thấy công việc của mình đem lại nhiều nguồn lợi về môi trường, sức khỏe cho người dân, tôi cảm thấy mãn nguyện.

Tôi mong muốn mình là cầu nối cho những nhà đầu tư, Việt kiều tại hải ngoại, những người muốn làm cho đất nước mình ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước. Chẳng phải ông bà ta có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” đó sao.  

. Trải qua những cay đắng, vật lộn với cuộc sống nơi đất khách, điều gì khiến ông đau đáu nhất khi nghĩ về quê hương?

+ Tôi muốn làm nhiều điều hơn nữa cho Việt Nam, trước tiên là xử lý rác thải để bảo vệ môi trường. Đây là một công việc rất hữu ích và thực tế nhất trong hiện tại để bảo vệ môi trường sống trong sạch. Lĩnh vực này có rất nhiều tiềm năng vì chúng ta cần nhiều hơn nữa những mô hình xử lý chất thải an toàn, hợp vệ sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn có cơ hội phát triển nhiều lĩnh vực khác như giáo dục và y tế.

Hiện tôi đang là Ủy viên Quỹ Tài trợ Giáo dục Việt Nam. Trong năm năm làm ủy viên, tôi luôn thúc giục và tạo mọi điều kiện để có thêm nhiều sinh viên Việt Nam nhận học bổng du học Mỹ. Tôi đang làm việc với chính phủ Mỹ để quỹ giáo dục này có thể nhận được thêm nguồn tiền và tiếp tục tài trợ cho sinh viên Việt Nam.

Phối ảnh hình ảnh hoa sen của dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An.

. Thưa ông, trước sự việc một số công nhân quá khích ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng (Hà Tĩnh) xảy ra mới đây, mang trong mình dòng máu Việt, quan điểm của ông về hành động này ra sao?

+ Tôi ủng hộ việc người dân Việt Nam tuần hành và phản đối trong ôn hòa. Chính bản thân tôi cùng các kiều bào người Việt tại Mỹ cũng tham gia biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán của Trung Quốc ở San Francisco vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với một số thành phần quá khích. Những cá nhân này đã vô tình làm cho hình ảnh người dân Việt Nam xấu đi trong lòng cộng đồng quốc tế.

. Khi sự việc xảy ra, các thành viên Hội Doanh nhân Việt-Mỹ có phản ứng gì? Họ có lo ngại về môi trường đầu tư cũng như công việc kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai không?

+ Hiện tại các thành viên Hội Doanh nhân Việt-Mỹ theo dõi những diễn biến kế tiếp của sự việc. Tất cả hành động đều là sự quan tâm của chúng tôi cũng như những doanh nghiệp đang đầu tư trong và ngoài nước. Điều rất mừng là các hội viên vẫn rất lạc quan về nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam cùng với việc xử lý của Nhà nước ta. Hơn nữa, chúng tôi rất hoan nghênh Nhà nước đã nhanh chóng có chính sách giải quyết những thiệt hại đáng tiếc đã xảy ra cho các doanh nghiệp này. Đồng thời vẫn bảo đảm sự an toàn và an ninh cho các công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

. Sự việc quá khích vừa qua liệu có làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư dự án 700 triệu USD đến 1 tỉ USD cho dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An?

+ Tôi đầu tư tại Việt Nam với mong muốn lớn nhất là góp phần xây dựng đất nước và bảo vệ môi trường Việt Nam. Công việc này tôi đã, đang và sẽ làm, không gì có thể thay đổi được.

. Xin ông giới thiệu chi tiết hơn về dự án hàng trăm triệu USD này?

+ Sau dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TP.HCM, mong ước của tôi là đầu tư dự án ở Long An mang tầm quốc tế, với quy mô 1.760 ha, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Mỹ và phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Bạn sẽ thấy ý tưởng thiết kế nhìn từ trên không là hình hoa sen với bốn khu vực chính. Trong đó, phần quan trọng nhất là khu vành đai cách ly xanh và bảo tồn thiên nhiên với 300 m bao quanh các khu vực bên trong. Đây là dự án có khả năng xử lý đủ loại chất thải với nhiều hệ thống phân loại, tái sử dụng, tái chế các loại chất thải thành những vật liệu hữu ích. Chúng được phân bố tại các khu như khu sản xuất phân compost công suất lớn; khu tái sinh tái chế chất thải sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại; khu sản xuất nhiên liệu lỏng và nhiên liệu hơi đốt; khu chôn lấp ủ lấy khí metan sản xuất điện năng an toàn và hợp vệ sinh theo công nghệ Mỹ, có thể cung ứng năng lượng điện cho quốc gia… Ngoài ra còn có một khu công nghiệp xanh, tái chế nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong nhiều ngành sản xuất, tái chế vật liệu như giấy, nhựa; trung tâm nghiên cứu về vật liệu tái chế… vào đây đầu tư xây dựng nhà máy và cơ sở nghiên cứu.

Hệ thống dây chuyền cùng các quy trình xử lý nước thải công suất lớn của dự án có thể xử lý hết khối lượng nước thải thu được từ các tỉnh và các TP lân cận. Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, hệ thống vành đai cây xanh cách ly cũng sẽ được VWS giữ lại diện tích rừng hiện tại. Toàn bộ dự án có công suất xử lý lên đến 40.000 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm tám tỉnh, TP), trong đó có TP.HCM.

. Trong tương lai, cá nhân ông và Hội Doanh nhân Việt-Mỹ có dự định triển khai thêm các dự án khác tại Việt Nam không?

+ Sau những thông tin về kinh tế xã hội, Hội Doanh nhân Việt-Mỹ vẫn có niềm tin vững mạnh về tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong những năm kế tiếp. Ngoài việc đầu tư có hiệu quả, Hội luôn mong muốn được góp phần xây dựng đất nước vững mạnh hơn, bớt đi được phần nào lệ thuộc kinh tế vào các nước lân cận. Chúng tôi vẫn đang lựa chọn những ngành nghề đầu tư thích hợp nhất với kinh tế và sự phát triển của Việt Nam.

Chúng tôi mong đợi Nhà nước có những bước tiến rõ ràng hơn về việc thiết lập luật lệ và chính sách mở rộng để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp gốc Việt đầu tư tại Việt Nam có được một sân chơi công bằng. Người Việt tại hải ngoại đã cố gắng để hòa nhập vào việc cùng đầu tư và thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Thế nhưng những rào cản về chính sách hiện nay đã cản trở rất nhiều doanh nhân muốn quay về đóng góp cho quê hương.

Tôi mong rằng Nhà nước nên có những thay đổi mạnh dạn, rõ ràng hơn về chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp Việt kiều. Như thế chúng tôi có được môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh hơn, góp phần phát triển đất nước.

. Xin cảm ơn ông.

PHI LÂN - NGỌC CHÂU thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới