Nhiều cơ hội cho lao động có tay nghề
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai trụ sở chính tại TP.HCM, vừa có bài phát biểu bằng tiếng Nhật 15 phút trước quốc hội Nhật Bản để đóng góp ý kiến về dự luật mới đối với lao động người nước ngoài đến làm việc tại Nhật.
Đây là lần thứ hai ông Sơn được mời phát biểu trước quốc hội Nhật Bản. Mở đầu lời phát biểu của mình, ông Sơn đề cập đến chương trình thực tập sinh (TTS) giữa Việt Nam-Nhật Bản thời gian qua và ý nghĩa của chương trình đã giúp cho thanh niên lao động trong nước có kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao vốn tiếng Nhật, có thu nhập khá ổn định, sau này có thể mang những trải nghiệm đó về Việt Nam phát triển nghề nghiệp tương lai.
Ông Sơn nói: "Chương trình theo luật mới nếu được ban hành sẽ là cơ hội để lao động đã tham gia chương trình TTS ba năm, năm năm có thêm cơ hội để tiếp tục được nâng cao trình độ tiếng Nhật, tay nghề, kỹ năng tại Nhật Bản".
Ông Sơn đề xuất chương trình theo luật mới cần phải tuyển chọn những người lao động có ý thức học tập và làm việc cao, có tay nghề chuyên môn kinh nghiệm nhất định và trình độ tiếng Nhật cao hơn chương trình TTS.
Ông Sơn cũng cho rằng chương trình TTS hiện đang được vận hành rất tốt bởi sự quản lý và kiểm soát của Nhật Bản và Việt Nam. Vì vậy ông đề xuất chương trình mới này chính phủ Nhật cũng phải ký kết quy định hợp tác giữa hai nước.
Việc này để Chính phủ Việt Nam kiểm soát và quản lý được quá trình tuyển chọn, đào tạo một cách hợp pháp và chặt chẽ trước khi người lao động nhập cảnh sang Nhật làm việc; đồng thời kiểm soát và chọn ra các doanh nghiệp uy tín để tham gia phái cử người lao động sang Nhật làm việc…
"Nguyện vọng của tôi là muốn tiếp tục chương trình TTS, mở rộng hơn nữa ngành nghề tiếp nhận để người lao động tốt có cơ hội sang Nhật làm việc và học tập" - ông Sơn phát biểu.
Nhân chuyến công tác tại Nhật, PV Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Lê Long Sơn.
. Phóng viên: Không khí phiên họp diễn ra như thế nào, thưa ông?
+ Ông Lê Long Sơn: Đây là phiên họp chính thức của quốc hội Nhật để lấy ý kiến của các chuyên gia. Một tuần sau sẽ đưa vào bàn thảo chính thức dựa trên các ý kiến góp ý, phân tích, phản biện, đánh giá tác động để xem xét có thông qua hay không.
Ông Lê Long Sơn (đứng) là chuyên gia nước ngoài bên cạnh năm chuyên gia là giáo sư danh dự của các trường đại học uy tín đóng góp ý kiến cho quốc hội Nhật. (Ảnh cắt từ clip)
. Là người có thời gian học tập và điều hành công ty kết nối với các nghiệp đoàn, chủ sử dụng lao động tại Nhật gần 20 năm nay, ông đánh giá như thế nào về dự luật này?
+ Dự luật này mở ra cánh cửa mới cho một bộ phận lao động có tay nghề, kinh nghiệm và trình độ cao hơn TTS nhưng chưa đạt trình độ như kỹ sư. Đội ngũ lao động như thế này ở Việt Nam rất nhiều. Có dự luật này, người lao động được sang Nhật làm việc một lèo năm năm, sau đó sẽ được gia hạn visa nếu vượt qua kỳ thi quốc gia sở tại. Đây là chương trình rất có lợi cho Việt Nam đa dạng hóa lực lượng lao động trong xã hội.
Cho phép thay đổi công việc
. Ông có bình luận gì về chương trình mới này?
+ Chương trình tiếp nhận lao động mới đòi hỏi người lao động có ý thức cao, nghĩ đến tương lai lâu dài. Để làm được điều này thì người lao động phải sau 25 tuổi, có kinh nghiệm, hiểu được việc đi làm cần trung thành với công ty, có thời gian nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Một lưu ý khác nếu chương trình này mở ra thì người lao động sẽ đổ dồn vào đó và bỏ chương trình TTS, dẫn đến khủng hoảng phân khúc TTS không tuyển được lao động. Tốt nhất nên để lao động Việt Nam trước độ tuổi 23 tham gia chương trình TTS và sau 24 tuổi tham gia chương trình lao động mới sẽ hiệu quả hơn.
Không khí làm việc tại quốc hội Nhật khi ông Sơn (đứng) phát biểu trước các nghị sĩ. (Ảnh cắt từ clip)
. Vậy ông đánh giá như thế nào về chương trình TTS hiện tại?
+ Thời gian qua, công tác tuyển dụng đào tạo trong nước nghiêm túc, có ý thức cao, hiểu được tác phong làm việc chuyên nghiệp của Nhật nên dù là TTS hay lao động thì việc tuyển chọn, đào tạo bài bản quan trọng nhất.
Nếu đi theo dạng TTS khi sang Nhật các em nghiêm túc sẽ khiến công ty tiếp nhận quý mến, các em sẽ học được rất nhiều. Thậm chí khi quay về nước sẽ có những tình cảm, sự tin tưởng, từ đó sẽ có các công ty Nhật sang đầu tư tại Việt Nam, đây chính là cơ hội cho các em phát triển nghề nghiệp tại Việt Nam. Đây là điều chúng tôi mong muốn trong chương trình TTS này, cũng là mục đích nước Nhật muốn hỗ trợ các nước đang phát triển đào tạo nguồn nhân lực.
Mở cửa cho lao động đăng ký tự do
. Vậy chương trình tiếp nhận lao động mới sẽ được thiết kế như thế nào?
+ Chương trình mới cần nâng cấp tiêu chí tiếp nhận, đặc biệt cần sự tuyển chọn không thông qua cò mồi, môi giới. Cùng đó nên tổ chức những kỳ thi bắt buộc (tiếng Nhật, kỹ năng nghề nghiệp) để nâng cao chất lượng. Để đạt được mục tiêu này thì phải có sự hợp tác cấp chính phủ để cùng đưa ra tiêu chí và sự khác biệt giữa luật ở các nước sở tại.
Đồng thời vai trò trách nhiệm giữa chính phủ tăng lên, trong đó nước phái cử sẽ có nhưng quy định để quản lý những công ty phái cử hợp pháp, phù hợp với quy định của nước tiếp nhận lao động.
Nữ thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại nhà máy lắp ráp, sản xuất các thiết bị điện tử tại Nhật. Ảnh: P.ĐIỀN
Đặc biệt đơn vị phái cử (công ty xuất khẩu lao động) nơi được phép đào tạo, tuyển dụng hợp pháp sẽ đưa phương án quản lý giữa hai chính phủ áp dụng vào hoạt động tại doanh nghiệp. Đơn vị nào làm tốt thì khuyến khích, làm không tốt thì sẽ có chế tài nặng, như thế mọi thứ ngày càng tốt lên.
. Theo ông, có điều gì còn băn khoăn trong chương trình này không?
+ Trong dự luật tiếp nhận lao động mới này họ không đưa vào hợp tác, ký kết cấp quốc gia mà để mở cho lao động tự do đăng ký. Nếu vượt qua kỳ thi tuyển, người lao động sẽ được nhập cảnh vào Nhật làm việc mà không thông qua cấp trung gian nào hết. Cách làm này nhìn sẽ thấy mở, thông nhưng nguy cơ phá vỡ thị trường rất cao.
Dự án luật mới chỉ đưa ra 14 ngành nghề được tiếp nhận lao động nhưng tôi đề xuất càng nhiều càng tốt bởi nền công nghiệp Nhật rất đa dạng, còn lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào để đáp ứng sự thiếu hụt đó.
. Xin cám ơn ông.
Đầu tháng 11-2018, chính phủ Nhật Bản đệ trình quốc hội nước này kế hoạch cải tổ chính sách nhập cư đã được nội các thông qua trước đó. Chương trình này dự kiến mở cửa từ tháng 4-2019 sẽ đón nửa triệu lao động nước ngoài đến Nhật làm việc đến năm 2025. Theo lộ trình, để thực hiện chương trình mới, nhà chức trách Nhật sẽ mở thêm hai loại thị thực mới cho các lao động kỹ thuật cao và thấp trong 14 lĩnh vực. |