Nằm trong kế hoạch khảo sát các tuyến du lịch mới năm 2024 của Hội lữ hành G7, hành trình Famtrip về với Củ Chi - Đồng Tháp – Phú Quốc diễn ra từ ngày 6 đến 10/4 với chủ đề “Hành trình mới - Trải nghiệm mới”.
Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch Hội lữ hành G7 cho biết: Đây là chương trình trong chuỗi hành trình khảo sát tuyến, tour mới dành cho các thành viên của Hội lữ hành G7.
“Sự kiện này là một phần trong chuỗi cam kết của Hội nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, giới thiệu và quảng bá những điểm đến mới, hấp dẫn của Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước.
Địa danh Củ Chi rất gần gũi và thân quen với du khách khi có di tích lịch sử địa đạo Củ Chi tuy nhiên với điểm mới là Sky Camping nơi đoàn khảo sát ghé đến khá phù hợp để du khách dừng chân trong ngày hoặc hành trình 2 ngày 1 đêm.
Ngoài ra, tuyến đường đi từ Củ Chi đến Đồng Tháp theo đường N2 (CT02) cũng rất gần, nối với các tỉnh miền Tây. Sau khi tham quan một số điểm ở Đồng Tháp, An Giang, chúng tôi sẽ đi tàu ra Phú Quốc. Hy vọng chương trình khảo sát lần này, du khách TP.HCM, các tỉnh lân cận cũng như cả nước sẽ biết nhiều địa danh mới, sản phẩm du lịch mới cho mùa hè năm 2024", ông Hải thông tin.
Tại Sky Camping, đoàn dừng chân, đón hoàng hôn bên những chiếc lều đầy đủ tiện nghi.
Ông Lương Duy Ngân, tổng quản lý, cho biết: Sky Camping là địa chỉ dành cho những người yêu thích trải nghiệm, muốn rời xa sự náo nhiệt của chốn thị thành. Nằm trên Tỉnh lộ 8, địa điểm này khá gần với trung tâm TP.HCM hay các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hay Tây Ninh. Du khách đến đây ngoài việc cắm trại, lưu trú còn có cơ hội thưởng thức ẩm thực độc đáo của Củ Chi, trải nghiệm chèo thuyền trên hồ, câu cá. Ngoài ra nơi đây còn có một vườn thú nhỏ dành cho các bé tham quan, rất phù hợp với các gia đình.
Sau một đêm trải nghiệm ngủ lều, đoàn rời Củ Chi, theo đường N2 thẳng tiến về miền Tây. Đi theo tuyến đường này, du khách có thể cảm nhận được văn hoá đặc trưng của miền Tây khi đi qua Thạnh Hóa (Long An) là cảnh người dân bày bán chuột đồng, khoai mỡ... hay đi ngang những cánh đồng sen bạt ngàn của Đồng Tháp Mười rồi xuôi về Chợ Mới, An Giang.
Đoàn theo đò, đến với khu du lịch sinh thái Cồn Én (ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ) nằm trên triền sông Tiền bình yên, thơ mộng với bãi tắm nhân tạo ven sông. Đây là điểm đến hấp dẫn đặc sắc vừa mới xuất hiện trên bản đồ du lịch An Giang, gây ấn tượng với du khách gần xa.
Điểm nhấn ở khu du lịch sinh thái này chính là thế giới của gỗ lũa trầm thủy, được chủ nhân sưu tập trong những năm thi công đáy nhiều đoạn sông vùng đầu nguồn Cửu Long.
Những thân gỗ trăm năm được chế tác thành các tác phẩm độc đáo, đặc biệt nhất là tác phẩm điêu khắc có chiều dài 24,5m thể hiện phong cảnh làng quê Việt Nam. Ngoài ra, một thân gỗ cao 26m được dựng làm đài quan sát sừng sững giữa trời.
Bên cạnh đó các thân gỗ còn được tận dụng chế tác thành những căn nhà, những bộ ghế bàn độc đáo, cầu trên không, linh vật khổng lồ… tạo nên những cung đường lộng gió nối các điểm đến trong toàn khu du lịch.
Khu du lịch Cồn Én còn có hệ thống nhà hàng trên cây hoàn toàn bằng gỗ lũa thiên nhiên, được đặt tên theo các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng hệ thống khu vui chơi với nhiều trò chơi thu hút giới trẻ.
Bên cạnh đó các thân gỗ còn được tận dụng chế tác thành những căn nhà, những bộ ghế bàn độc đáo… Đặc biệt hơn là những thân gỗ trải qua khắc nghiệt thời gian được chế tác thành cầu trên không…tạo nên những cung đường lộng gió nối các điểm đến trong toàn khu.
Những tác phẩm bằng gỗ lũa độc đáo níu chân du khách.
Nếu chưa thỏa “cơn khát” du ngoạn, du khách có thể di chuyển, tiếp tục hành trình tại Khu du lịch Mỹ Luông với những tiểu cảnh, không gian xanh mát, cùng chiêm ngưỡng bảo tàng biển số đẹp với bộ sưu tập hàng trăm chiếc xe máy mang biển số “độc”: tứ quý từ 1 đến 9, số tới... của tỉnh Đồng Tháp và An Giang.
Hội lữ hành G7 là một tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch với 80 DN hội viên trên cả nước, hoạt động vì mục tiêu chung phát triển du lịch Việt Nam.
Chương trình famtrip được thiết kế nhằm mục đích tạo điều kiện cho các thành viên trong hội, các đối tác trong ngành du lịch, truyền thông, lữ hành, dịch vụ có cơ hội trải nghiệm, đánh giá và phát triển sản phẩm du lịch mới. Qua đó hội lữ hành G7 mong muốn góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch, tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn.
"Lâu nay tôi chuyên làm dịch vụ cho khách Việt Nam đi nước ngoài giờ mong muốn kéo khách nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là khách ở các thị trường mới như châu Phi vì nhiều nơi đến giờ vẫn còn nghĩ Việt Nam là đất nước đang còn chiến tranh.
Vì vậy tôi mong đợi được tham gia các chuyến famtrip để hiểu rõ hơn thị trường du lịch Việt Nam. Điều tôi nhận thấy, các điểm du lịch của Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới, khung cảnh đẹp, nhân viên được đào tào chuyên nghiệp nhưng chúng ta thiếu sự kết nối, thiếu đồng bộ đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, việc di chuyển vẫn còn khó khăn nên vẫn chưa tận dụng được hết các điểm đến trong một hành trình cho du khách", Phương Anh, thành viên Hội lữ hành G7 cho biết.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa, thành viên của đoàn, chia sẻ: "Tôi kỳ vọng, sau chuyến đi sẽ có sản phẩm tour mới, giúp khách hàng có nhiều trải nghiệm mới, đặc biệt là tuyến cao tốc CT02 ít du khách biết đến.
"Chuyến đi trải nghiệm thú vị, cung đường trải dài từ miền đất phù sa trù phú đến đảo ngọc xinh đẹp đầy nắng.
Chúng tôi cũng được gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp thân thiết trong ngành du lịch và dịch vụ cả nước. Học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trúc trắc trước mắt.
Cập nhật nhanh chóng kịp thời những cái mới, những công trình vừa được hoàn thành như KDL Cồn Én, Mỹ Luông,... để tăng thêm độ hấp dẫn và màu sắc cho sản phẩm du lịch nước nhà. Qua đó cũng góp chút kinh nghiệm và ý kiến đóng góp để KDL và doanh nghiệp cùng phát triển tốt hơn", anh Phạm Thanh Hoài Bão tâm sự.